“Có phải là “Sơn Cốt” trong thơ Tố Hữu không?”. Ông nhà văn già Nguyễn Duy Liễm, cẩn trọng hỏi lại. Cô Chiên hơi ngượng ngượng: “Cháu không biết thơ phú nhưng Giếng cổ Sơn Cốt có từ lâu đời lắm rồi. Nghe nói cũng ngàn năm ấy.
Giếng nằm ngay ngã ba Sơn Cốt. Ngã ba ấy một hướng đi Phổ Yên, một hướng đi Định Hóa và một hướng lên đây ạ. Nghe nói khi làm đường phải mở rộng ngã ba Sơn Cốt, thấy Giếng cổ linh thiêng nên cánh làm đường không dám lấp giếng. Thành thử Giếng cổ Sơn Cốt bây giờ nằm chính giữa ngã ba Sơn Cốt”.
Câu chuyện hay hay, cũng hấp dẫn đã kéo chúng tôi lững thững đi bộ lên đỉnh đèo, lên đúng vị trí ranh giới giữa hai tỉnh. Chúng tôi nhìn về hướng Đông thấy bạt ngàn một màu xanh của lá. Chợt nhớ cô Chiên đã nói: “Ở bên ấy họ trồng rừng tốt hơn bên cháu”.
Chẳng biết bên Đông, tức bên Thái Nguyên ấy, đất đai mầu mỡ hơn hay con người chăm chỉ hơn nhưng đúng là nhìn hút theo con đường đèo ngoằn ngoèo chúng tôi thấy, trong tầm mắt là cây rừng tươi tốt, xa xa hơn chút là những làng xóm nhà nhà xúm xít. Lại nhà thơ Ngô Minh Bắc cất tiếng ngân nga “Rồi lát nữa chia đôi/ Anh về xuôi tôi ngược/ Lòng anh và lòng tôi/ Mang nặng tình cá nước”.
Và thế là “một cuộc hội thảo” diễn ra ngay khoảng đất trống trên đỉnh đèo. Chúng tôi ngồi phệt, nhâm nha ấm nước mà cô Chiên mới pha. Vẫn là nhà thơ Ngô Minh Bắc lên tiếng, vợ ông vốn là giáo viên dạy Văn cấp 3 nên ông nói như một học trò thuộc bài vậy.
“Thơ Tố Hữu nói chung, bài thơ “Cá nước” nói riêng là thể hiện niềm vui, nỗi buồn và thái độ yêu, ghét đúng đắn. Ðó là tâm trạng của một người nguyện gắn bó máu thịt với nhân dân. Là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí.
Thơ Tố Hữu mang bản chất cách mạng sâu sắc: Yêu đất nước, yêu con người. Là đây nhé “Một thoáng lặng nhìn nhau/ Mắt đã tìm hỏi chuyện/ Đôi bộ áo quần nâu/ Đã âm thầm thương mến”. Các nhà thấy có đúng không?”.
Ôi chao ơi. Cứ nghe như đang được nghe cô giáo dạy Văn giảng bài ấy. Nhà văn Nguyễn Bảo từ đầu vốn giữ vẻ thâm trầm, ông từng là một cây bút chiến trường hồi chiến tranh chống Mỹ ở Quảng Đà, nên nhiều chiêm nghiệm, ông nói chậm khẽ “Dù là những dòng thơ tươi xanh hay những dòng thơ lửa cháy, giọng thơ Tố Hữu vẫn một điệu sôi nổi, mãnh liệt”.
Chuyện thơ “nổ” như ngô rang, hóa ra bài thơ “Cá nước” chúng tôi đều đã được học nhưng quả tình sau mấy chục năm cùng nhau đọc lại ngay trên đỉnh Đèo Nhe mới thấy ngấm.
“Rồi lát nữa chia đôi/ Anh về xuôi tôi ngược/ Lòng anh và lòng tôi/ Mang nặng tình cá nước” nhà văn Nguyễn Duy Liễm như đang hồi tưởng về những tháng ngày sống và chiến đấu trong sự đùm bọc của bà con miền sông nước nơi đôi dòng Vàm Cỏ, ông hơi cúi đầu cất giọng tuy khe khe vậy mà vẫn cảm được sự biết ơn chân thành.
Cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ kéo dài mấy chục năm trời những người chiến sĩ nếu không có sự đùm bọc, chở che của người dân chắc sẽ không có ngày toàn thắng.
“Mồm anh nở rất tươi/ Mặt anh vàng thắm lại/ Cánh đồng quê tháng Mười/ Thơm nức mùa gặt hái”. Nhà văn Nguyễn Bảo giọng run run, trong tâm khảm của ông như đang hiện ra hình ảnh về một làng quê nơi Xứ Thanh.
Tất cả chúng tôi, đều từng là những người lính đi qua cuộc chiến tranh nên thấu hiểu hết giá trị cùng nghĩa tình của người chiến sĩ đang chiến đấu ngoài xa trường. Chúng tôi đều từng rời mái nhà của mẹ, rời những cánh đồng lúa lên xanh khi tuổi đời đều còn rất trẻ.
Những ngày ở chiến trường, lúc lặng yên giữa hai trận đánh, những người lính xa nhà cúi đầu ngẫm ngợi. Hình ảnh người mẹ, thửa lúa chín vàng cùng mái nhà xưa êm ấm lại hiện hữu như một lời động viên, như một lời nhắc nhở.
Nắng trưa sắp lên tới đỉnh đầu. Trên đỉnh Đèo Nhe chợt ùa luồng gió mát. Chúng tôi cùng lặng im hồi lâu, tự trong mỗi một người đang tự hồi về dòng ký ức ấu thơ và dòng ký ức trận mạc.
Câu thơ giản dị, chân chất mà nhà thơ Tố Hữu viết trên đỉnh Đèo Nhe năm nào đang khơi lên nguồn cảm hứng cùng niềm yêu đằm thắm “Chắc có lúc lòng anh/ Nhớ nhà anh nhớ lắm/ Ơi người bạn hiền lành/ Mắt nhìn xa đăm đắm”.