Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Truyên truyền, cho biết năm nay, dự kiến điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển kết hợp của tất cả các ngành đều tăng so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, ngay ở ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) của các phương thức tuyển sinh đã được học viện công bố, cho thấy đều tăng so với năm 2022. Điều này khả năng cũng kéo điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT tăng theo.
Theo bà Giang, với số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký tăng vượt trội hơn so với năm ngoái, dự kiến mặt bằng chung điểm chuẩn năm nay sẽ nhiều biến động.
“Năm nay, dự đoán điểm chuẩn khó thấp hơn năm ngoái đối với những ngành hot của nhà trường”, bà Giang nói.
Chia sẻ thêm về những nhóm ngành được quan tâm, bà Giang cho biết đó là các ngành Báo chí, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông đại chúng, Quan hệ quốc tế và dự kiến cũng sẽ là những nhóm ngành có mức điểm chuẩn cao năm nay.
“Ngoài những ngày này, những ngành khác, kể cả các ngành khối lý luận dự kiến điểm chuẩn không thấp hơn năm ngoái”, bà Giang nói.
Về học phí với sinh viên chính quy năm 2023, bà Giang cho biết, các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.
Các ngành khác hệ đại trà dự kiến 506.900 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa là 143 tín chỉ).
Hệ chất lượng cao dự kiến là 1.470.010 đồng/tín chỉ (chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh).
Lộ trình tăng học phí cho từng năm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ theo hướng dẫn của Chính phủ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy (cấp bằng đại học thứ nhất) của Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay là 1.950.