Hình ảnh con gái Suchin của doanh nhân Cường Đô La ngồi trên xe đẩy được bố đưa dạo quanh khắp siêu thị, giới thiệu một số hàng hóa cũng từng khiến người hâm mộ thích thú
Đàm Thu Trang - bà xã Cường Đô La cũng "đầu tư" hẳn cho con một cuốn sổ để tha hồ sáng tạo với bút màu
Giáo dục thực sự có ý nghĩa không chỉ là dạy cho trẻ những kiến thức trong sách vở mà còn là để trẻ hiểu được những nguyên lý sống trong thực tiễn, để trẻ được tiếp xúc và hiểu cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ. Đi siêu thị là một trong những cơ hội để bạn trau dồi sự phát triển toàn diện cho con.
Hoạt động ở siêu thị cho trẻ hiểu đơn giản về khái niệm "tiền", các mệnh giá khác nhau, đồng thời trẻ biết muốn mua một thứ gì đó thì phải đổi bằng tiền chứ không phải tự do lấy đi. Việc lập danh sách trước khi đi siêu thị để mua sắm có thể rèn luyện thói quen tốt là làm mọi việc một cách có tổ chức.
Khi con lớn hơn, khi đi mua sắm, hãy để con tự đẩy xe hàng, tự tìm sản phẩm và so sánh giá cả. Với những món đồ không mua, cha mẹ cần hướng dẫn con xếp ngay ngắn theo đúng vị trí ban đầu, tránh để lại lộn xộn. Khi đẩy xe đẩy hàng, hãy nói với con: Lối đi nhỏ trong siêu thị là đường đi, khách hàng là người đi bộ và xe đẩy hàng là ô tô. Mặc dù siêu thị không có đèn giao thông nhưng mọi người phải tuân thủ luật lệ và lịch sự khi đi lại, nếu không ai nấy đều sẽ chen chúc và "giao thông" sẽ bị tê liệt.
Ngoài ra, khi đợi thanh toán, hãy dặn con phải xếp hàng lịch sự và không quên nói lời cảm ơn với người bán. Có rất nhiều người đông đúc bên trong siêu thị, bạn nên dạy con cách bảo quản cẩn thận đồ đạc của mình. Một khi trẻ phát triển được cảm giác an toàn trong siêu thị, chúng sẽ tự nhiên thận trọng hơn với thế giới bên ngoài.
Với việc cho con được "vẽ bậy", theo các chuyên gia tâm lý học, điều này giúp trẻ thông minh, có óc quan sát, phát triển khả năng thẩm mỹ và tính sáng tạo.
Nếu trẻ sống trong một môi trường mà trẻ không thể tự do vẽ bậy thì cho dù có dạy đến đâu, trẻ cũng không thể vẽ được những bức tranh đầy sáng tạo. Quá trình nhìn, suy nghĩ, vẽ tranh, sửa đổi và kiểm tra lại của trẻ là một quá trình phát triển trí não liên tục.
Thay vì chỉ đạo con không tạo ra những bức tranh nguệch ngoạc nhem nhuốc… theo trường phái "trừu tượng", thì cha mẹ cần để trẻ "lãnh đạo" và hỗ trợ con bằng cách khuyến khích trong suốt quá trình này. Ngoài ra, phụ huynh có thể cố gắng hiểu suy nghĩ bên trong của trẻ, nếu không hiểu thì cứ hỏi con, sử dụng câu chuyện để truyền cảm hứng cho trẻ, để trẻ có thể mở rộng suy nghĩ và thể hiện nó trong tranh.
Cha mẹ có thể mua cho con giấy, bảng, hay một cuốn sổ riêng như Đàm Thu Trang để bé được thỏa sức vẽ. Nếu con bạn hay vẽ lên tường, hãy "ưu tiên" con bằng cách đặt một tấm bảng đủ lớn để con được vẽ theo cách chúng thích.
Bạn có thể quy định một số nơi con không được vẽ như ở nơi công cộng, trong nhà người khác hay tại trường. Đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về nơi con có thể diễn tả khả năng sáng tạo bắt đầu nảy nở của mình. Dần dà, trẻ sẽ có ý thức về việc vẽ đúng nơi quy định nhưng vẫn phát huy được tính sáng tạo và trí tưởng tượng của mình.