'Điểm nghẽn' trong tự chủ đại học cần được tháo gỡ

13/10/2023, 16:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tự chủ về bộ máy nhân sự và tự chủ tài chính là đang được cho là hai “điểm nghẽn” quan trọng cản trở sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học.

tu-chu-dai-hoc.jpg

Sáng ngày 13/10, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn đầu đã làm việc tại Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá) về khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW.

Những thành tựu từ Nghị quyết 29-NQ/TW

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS. TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, nhà trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Một trong những kết quả nổi bật là kết quả công tác phát triển ngành nghề, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất kiểm định chất lượng trường và chương trình đào tạo đã góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương đất nước.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT) ảnh 1
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: NT)

Tính đến tháng 7/2023, nhà trường đã và đang triển khai tổ chức đào tạo 6 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 20 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 36 ngành trình độ đại học. Các ngành/ chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội và đáp ứng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá và vùng phụ cận.

Trong giai đoạn 2013-2023, Nhà trường đã đào tạo 35.000 người học tốt nghiệp các hình thức. Kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp đạt từ 70% đến 90%.

Đặc biệt, năm 2023, Nhà trường được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép thành lập Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Hồng Đức, trở thành cơ sở đào tạo hoàn chỉnh có đầy đủ hệ thống giáo dục quốc dân (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học).

Thực hiện Nghị quyết về việc tổ chức đào tạo các ngành sư phạm chất lượng cao, chương trình tiên tiến, các ngành trọng điểm; đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu xã hội, mở rộng địa bàn đào tạo; đào tạo gắn với sử dụng.

Giai đoạn 2013-2023, hoạt động hợp tác quốc tế đã có bước phát triển mới, nhiều chương trình hợp tác được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa giáo dục đại học.

PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: NT) ảnh 2
PGS.TS Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: NT)

Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo GS.TS Bùi Văn Dũng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa nên việc tiếp cận các chương trình, đề án của Bộ GD&ĐT còn hạn chế.

Cụ thể như cấp kinh phí các đề tài khoa học cấp Bộ từ nguồn ngân sách của Bộ GD&ĐT; tham gia chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình thu học phí theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện lộ trình tự chủ của Nhà trường.

Nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Liên quan đến “điểm nghẽn” trong công tác tự chủ đại học, phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hồng Đức cho rằng, cái được lớn nhất của các trường đại học tự chủ là tự do trong lao động sáng tạo. Trong năm qua, các trường đại học đã mở ra những ngành nghề đào tạo mà xã hội cần, thậm chí có ngành mới chưa có trong danh mục của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: NT). ảnh 3
PGS.TS Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: NT).

Tuy nhiên, theo PGS.TS Báu, bên cạnh đó, có 2 yếu tố tự chủ còn vướng là tự chủ về bộ máy nhân sự và tự chủ tài chính.

“Nhiều năm liên tục nhà trường không tuyển được giảng viên, đặc biệt, những ngành nghề định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hoá. Ngoài ra, tổ chức bộ máy, luật quy định rất rõ quyết định cơ cấu bộ máy bên trong nhưng vẫn phải chịu quyết định của tỉnh là tinh giản bộ máy, 1 lúc phải tinh giản 7 đầu mối. Về nhân sự của nhà trường, Tỉnh uỷ quy định phó hiệu trưởng thuộc thường vụ quản lý là đúng nhưng quy trình đang còn rất phức tạp.

Điểm nghẽn tiếp theo là sử dụng tài chính, cơ sở vật chất. Có những thứ nguồn kinh phí tự chủ nhà trường không liên quan đến Nhà nước nhưng muốn làm thì không tự quyết định được mà phải xin Sở Kế hoạch, Sở Tài chính, kéo dài cả năm trời, mất đi cơ hội. Nên chăng có những chính sách, để giao cho Hội đồng trường. Nhà nước, Bộ, tỉnh thực hiện việc thanh kiểm tra, giám sát để xem Hội đồng trường có thực hiện việc đó hay không”, PGS.TS Lê Viết Báu nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Lê Viết Báu, lẽ ra các trường đại học nên để tự chủ chuyên môn học thuật. Đây là dịch vụ công về an sinh xã hội thì Nhà nước phải có trách nhiệm. Đầu tư cho giáo dục đại học không thể chỉ từ nguồn thu học phí. Đặc biệt, trong khi không được tăng học phí nhưng từ ngày 1/7 tăng lương mà nguồn thu lại không được tăng. Làm sao vừa đảm bảo nâng cao chất lượng vừa đảm bảo chi trả cho giảng viên.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NT). ảnh 4
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: NT).

Thêm nữa là thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, tới đây, nếu theo quy định mới, giáo viên không được phụ cấp thâm niên. Trong khi, phụ cấp thâm niên như một chính sách để cống hiến nhưng quy định mới không còn nữa thì rất khó để nhà giáo tâm huyết với nghề.

Ngoài ra, các đại biểu cũng bàn về một số “điểm nghẽn” khác, trong đó có điểm nghẽn ở Nghị định 116, quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên. Việc thu hồi như thế nào là rất khó, giao cho các trường càng khó.

Đại biểu cũng đề xuất sử dụng Ngân hàng chính sách cho sinh viên vay, cung cấp kinh phí không qua nhà trường nữa mà qua Ngân hàng chính sách.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác ghi nhận những kết quả tích cực của Trường Đại học Hồng Đức trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Các thành viên trong đoàn công tác góp ý, nhà trường cần bổ sung và làm rõ hơn một số nội dung mà báo cáo nêu chưa rõ, chưa cụ thể, cần đưa thêm các ý kiến của đại biểu phát biểu trong hội nghị vào báo cáo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết 29 đã triển khai được 10 năm. Toàn ngành đã nỗ lực thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học.

Tuy nhiên, để hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của toàn ngành, cần có những nhìn nhận khách quan của các cơ sở giáo dục đại học. Trên tinh thần đó, báo cáo của nhà trường cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những thuận lợi khó khăn, thách thức và kiến nghị đề xuất giải pháp thực hiện. Thứ trưởng cho rằng, những gì còn là “điểm nghẽn” thì các thầy cô giáo cần đề xuất.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, tự chủ chuyên môn học thuật có chuyển biến rất mạnh. Từ việc tự chủ trong tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, kiểm tra đánh giá… Tuy nhiên, tự chủ đang có những “điểm nghẽn”.

“Về quyền tự chủ, nằm trong thẩm quyền của Bộ, nếu có gì vướng mắc, Bộ sẽ điều chỉnh thay đổi. Các thầy cô cần có ý kiến để sửa đổi, bổ sung.

Còn vướng về tổ chức bộ máy, có những vướng mắc thuộc về quy định, có những vướng mắc thuộc về quá trình tổ chức triển khai. Nếu thấy những điều không đúng thì cũng cứ mạnh dạn đề xuất vì đôi khi địa phương áp những điều không phù hợp”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Bài liên quan
Tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' giúp phát triển giáo dục Mầm non
3 "điểm nghẽn" trong phát triển giáo dục mầm non là nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng…

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Điểm nghẽn' trong tự chủ đại học cần được tháo gỡ