Cũng theo cô Huyền, hoạt động trải nghiệm nhằm hình thành các phẩm chất, nhân cách, năng lực và kỹ năng xã hội cho người học. Theo đó, môn học này có thể tổ chức thông qua các chủ đề và được thiết kế bám sát với thực tế cuộc sống. Ví dụ như kiểm soát chi tiêu, xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường, tự bảo vệ bản thân, sử dụng mạng Internet an toàn... Hoặc có thể là hoạt động được thiết kế phù hợp với lứa tuổi như diễn kịch, giải quyết tình huống.
Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Rèn nếp sống” cho học sinh lớp 2 của Trường Tiểu học Tân Dân. Ảnh: NVCC |
“Tại Trường THCS Khương Mai, hoạt động trải nghiệm được tổ chức với nhiều chủ đề khác nhau. Hàng tháng, nhà trường tổ chức chuỗi hoạt động gắn với 1 chủ đề. Ví dụ, chủ đề của tháng 9: “Em yêu trường em” thông qua hình thức thi rung chuông vàng tìm hiểu về truyền thống nhà trường, thi viết về “Thầy cô trong mắt em”. Với chủ đề “Em với cộng đồng”, học sinh tham gia trồng cây, dọn vệ sinh cùng tổ dân phố…” – cô Huyền chia sẻ.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm vừa là hoạt động vừa như một phương thức giáo dục nhằm hiện thực hoá mục tiêu giáo dục tổng thể, TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) nêu quan điểm. “Cần lưu ý, bản chất của đổi mới giáo dục là chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Đầu ra của chương trình giáo dục là hệ thống phẩm chất, năng lực của học sinh”, TS Hoàng Trung Học nhắc lại.
Dưới phương diện tâm lý học, TS Hoàng Trung Học nhìn nhận, các phẩm chất, năng lực của học sinh sẽ được hình thành và phát triển thông qua hoạt động thực tiễn và việc làm cụ thể. Điều này đòi hỏi nhà giáo phải thay đổi triệt để tư duy, cách tiếp cận phương pháp dạy học trong quá trình giảng dạy. Đồng thời tạo điều kiện cho thầy, cô giáo có cơ hội sáng tạo không ngừng trong từng giờ lên lớp cũng như trong mỗi tình huống giáo dục học sinh”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
Theo Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, ở cấp tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm. Lên đến THCS và THPT là Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp. Hoạt động trải nghiệm sẽ tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, lĩnh vực giáo dục để có thể áp dụng vào thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp các em có cơ hội tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng và hướng nghiệp.
Đặc biệt, tất cả hoạt động này phải dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung được xác định tại Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Các năng lực và phẩm chất chung này được thực hiện trong hoạt động trải nghiệm thông qua mục tiêu của hoạt động trải nghiệm.
Trong nhóm nội dung hoạt động trải nghiệm, tùy từng cấp học mà mỗi trường tập trung vào nhóm nội dung nào nhiều hơn. Ví dụ nhóm nội dung hoạt động phát triển cá nhân, thực hiện nhiều ở bậc tiểu học. Nhưng ở cấp THCS có thể nhẹ hơn và bắt đầu tăng dần nhóm hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng. Đến THPT, các hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng tất nhiên vẫn tiếp tục, nhưng đặc biệt đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp. “Tùy từng cấp học mà trọng số ở nhóm nội dung hoạt động nào nhiều hơn”, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa trao đổi.
“Hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng. Không chỉ phát huy vai trò giáo dục trong một môn học cụ thể mà còn trở thành phương pháp giáo dục chủ đạo trong các môn học, hướng đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh” – TS Hoàng Trung Học chia sẻ.