Giáo dục

Điểm thi cao có nên vào ngành có điểm chuẩn thấp?

27/07/2024 16:15

Nhiều thí sinh băn khoăn chọn ngành khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt nhưng sở thích lại là những ngành có mức điểm chuẩn thấp hằng năm.

E dè khi đặt nguyện vọng vào ngành thấp điểm

N.H.T.U, (Trường THPT Gia Định, TPHCM) đã đăng ký xét tuyển sớm các ngành mà em yêu thích và phù hợp với sở thích của mình như Khoa học chế biến món ăn, Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực của Trường Đại học Công Thương TPHCM...

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, U. bất ngờ vì điểm của mình cao hơn dự kiến với 27,25 tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý,) và 27,45 tổ hợp D15 (Ngữ văn, Địa lý, Tiếng anh).

Điều này đồng nghĩa, nữ sinh có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn so với các ngành đã xét tuyển sớm từ trước nhưng cũng khiến U. băn khoăn và lo lắng hơn vì phải xét nhiều yếu tố cho quyết định của mình.

DH CONG NGHIEP THUC PHAM255079791_564134381356668_2019121630880925079_n.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM trong giờ học tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: HUIT)

Nữ sinh đã đến Ngày hội xét tuyển nguyện vọng 2024 tổ chức tại TPHCM (ngày 20/7) để biết thêm các ngành phù hợp với mình.

“Em rất thích tìm hiểu và nghiên cứu về món ăn nhưng điểm chuẩn của các ngành thuộc lĩnh vực này khá thấp, em sợ cơ hội việc làm không cao,... Thế mạnh của em là các bộ môn thuộc khoa học xã hội nên sau khi tìm hiểu các ngành bên khối xã hội thì em thấy mình có điểm mạnh về môn địa lý, em đang cân nhắc đặt thêm nguyện vọng vào ngành Địa lý học”, U. cho hay

Thí sinh này cũng cho biết thêm, sau khi nghe tư vấn về ngành Địa lý học, em cảm thấy tính cách của mình không phù hợp, bởi ngành này đòi hỏi sự tỉ mỉ, theo khuôn khổ.

Bản thân U. thích nghiên cứu và chế biến món ăn nhưng lại có những e ngại trên nên càng hoang mang lo lắng không biết chọn ngành nào. "Không phải em không có cơ hội để lựa chọn các ngành học mà em chưa tìm được ngành nào có thể phù hợp với tất cả yếu tố như tính cách, sở thích, năng lực,...", nữ sinh nói.

Tương tự, N.NC.T (học sinh tại một trường THPT, tỉnh Tiền Giang) thích nghiên cứu về ẩm thực nên em dự định thi ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.

Điểm chuẩn hai ngành này thì 19 điểm, trong khi điểm xét tuyển của em là 27. Vì vậy, thí sinh này cũng cân nhắc việc chọn ngành trước ký đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.

“Em thích ăn 'healthy' (ăn uống lành mạnh - PV) để duy trì cân nặng cũng như có sức khỏe tốt hơn. Vì vậy em hay tìm hiểu về nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng của các món ăn hằng ngày. Em học tốt môn Ngữ văn và ba mẹ hướng em theo Sư phạm văn nhưng em sợ sau này em sẽ chán không muốn dạy học. Khi em nói muốn học ngành liên quan tới ẩm thực thì ba mẹ hơi quan ngại vì điểm chuẩn ngành khá thấp, sợ không có nhiều cơ hội cho em phát triển”, nữ sinh kể.

Cơ hội phát triển ngành mới

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, hai ngành Khoa học ẩm thực và dinh dưỡng và Chế biến món ăn ngành này không đơn giản như các ngành khác, không phải cứ đăng ký nguyện vọng và học tập là sẽ biết nghề.

Hiện tại, 2 ngành thiếu nhân sự có trình độ đại học nên rất cần những sinh viên có năng khiếu và thật sự yêu thích nghề. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực đang cần rất nhiều nhân tài, đặc biệt sau thời kỳ đại dịch Covid-19, nhu cầu về đầu bếp và chuyên gia dinh dưỡng đã tăng đáng kể.

“Các chuỗi nhà hàng lớn, các khách sạn 5 sao như đều đang rất cần những người có tài năng trong ngành này. Các doanh nghiệp lớn cũng thường xuyên gửi thư mời tuyển dụng tới trường học, đây sẽ là cơ hội lớn cho các bạn đam mê và yêu thích ẩm thực học tập tại trường”, ông Sơn nói.

tu van tuyen sinh.jpg
Thí sinh lắng nghe chuyên gia tư vấn tuyển sinh tại Ngày hội xét tuyển nguyện vọng 2024 tổ chức tại TPHCM (ngày 20/7). (Ảnh: Thùy Linh)

Theo ThS Sơn, các thí sinh trước khi đăng ký nguyện vọng cần làm các bài test như MBTI, Holland,... để lựa chọn ngành nghề phù hợp với tính cách, phẩm chất của mình và không nên nhờ vả người khác đăng ký nguyện vọng cho mình.

“Các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng vì đăng ký nguyện vọng là đăng ký cho tương lai của mình, chính mình phải đăng ký nguyện vọng cho mình. Nhờ vả người khác đăng ký nguyện vọng cho mình thì mình sẽ không có trách nhiệm trong việc lựa chọn ngành nghề”, ông Sơn cho hay.

Năm 2024, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) có chính sách giảm 50% học phí kỳ I cho tân sinh viên trúng tuyển và nhập học ở các ngành: Kỹ thuật Nhiệt; Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực; Khoa học chế biến, món ăn; Công nghệ dệt, may; Kinh doanh thời trang và dệt may; Quản lý tài nguyên và môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường và Công nghệ chế biến thủy sản.

tvts.jpg
Thí sinh dự Ngày hội xét tuyển nguyện vọng 2024 tổ chức tại TPHCM (ngày 20/7). (Ảnh: Thùy Linh)

TS Hoàng Thịnh Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng dành lời khuyên tới các bạn thí sinh nên cân nhắc về tài chính của gia đình cũng như bản thân khi chọn trường.

TS Nhân cho hay, nếu các bạn yêu thích trường đó, ngành đó nhưng điều kiện gia đình khó khăn, khó săn các học bổng thì điều đó sẽ trở thành áp lực, phải cẩn thận cân nhắc. "Với trường hợp các bạn không bị áp lực về mặt tài chính, các bạn nên chọn theo tiêu chí ngôi trường đó mình yêu thích hay không, ngành đó mình có thật sự thích không. Tìm hiểu về nơi đó thật kỹ bằng cách tìm kiếm thông tin ở các trang chính thống, xem các bài viết của cựu sinh viên đã học tập tại trường, cơ hội việc làm sau khi ra trường có nhiều hay không…”, ông Nhân cho hay.

Ngoài ra, TS Nhân cũng khuyên thí sinh nên chọn các trường có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng. Ông cho rằng, những trường người đại học có đóng góp cho cộng đồng lớn sẽ tạo năng lực, tinh thần trách nhiệm, ý chí bản lĩnh tốt hơn cho mỗi sinh viên bởi những hoạt động đó nguồn lực lớn nhất từ các sinh viên.

ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM (UEF) cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm 2024 thí sinh được đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất.

Vì vậy khi đăng ký xét tuyển thí sinh cần phải ưu tiên đặt ngành học trường học yêu thích ở thứ tự nguyện vọng cao nhất (thứ tự nguyện vọng 1 là thể hiện nguyện vọng cao nhất) và các nguyện vọng tiếp sau đó sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần.

Thí sinh cần cẩn trọng lựa chọn và sắp xếp thứ tự nguyện vọng, mã trường, tên trường, mã xét tuyển, tên mã xét tuyển, nộp lệ phí đăng ký xét tuyển (từ 31/7 đến 6/8) và xác nhận nhập học trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ (từ 19/8 đến 27/8) theo quy định.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu ý, trường hợp đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm và đã tốt nghiệp THPT, nếu không sử dụng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà chỉ sử dụng kết quả xét tuyển sớm này thì chỉ cần đăng ký nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển chính thức.

Nếu thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, hoàn toàn có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngành học và trường học yêu thích, phù hợp hơn và để có thể trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thí sinh cần phải ở thứ tự vọng cao hơn các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm thi cao có nên vào ngành có điểm chuẩn thấp?