Khi được hỏi về triển vọng đối thoại chiến lược với Mỹ và phương Tây về vũ khí hạt nhân, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Đối thoại rõ ràng là cần thiết. (Nhưng) nó không thể diễn ra trong khi một quốc gia giảng dạy một quốc gia khác. Chúng tôi không chấp nhận như vậy”.
Tuy nhiên, ông Peskov vẫn khẳng định đối thoại là cần thiết. “Chúng tôi chắc chắn đã sẵn sàng bắt đầu việc đó. Nhưng cho đến nay tình hình thực tế vẫn chưa có gì thay đổi", ông nói.
Xung đột ở Ukraine dẫn đến cuộc đối đầu lớn nhất giữa Mátxcơva và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh, dù cấu trúc an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh đã sụp đổ từ trước cuộc xung đột.
Lo ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân từ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khiến Mỹ và Liên Xô tìm cách làm chậm cuộc chạy đua vũ trang, dẫn đến một loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí để mỗi bên hiểu rõ hơn về kho vũ khí và năng lực của đối phương.
Tuy nhiên, phần lớn cấu trúc đó đã bị lung lay. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật huỷ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Nhà lãnh đạo Nga cho biết ông chưa thể khẳng định liệu Nga có nối lại việc thử vũ khí như vậy hay không.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev trước đó cho rằng cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế đã bị phá hoại và đổ lỗi cho phương Tây làm tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.
Khi được hỏi về phát biểu này, ông Peskov nói: "Patrushev là thư ký của Hội đồng An ninh. Ông ấy là một người của Điện Kremlin. Và những tuyên bố của ông ấy là những tuyên bố từ Điện Kremlin".
"Về Liên bang Nga, chúng tôi có một học thuyết (hạt nhân) trong đó mọi thứ đều được nêu rõ ràng. Không có thay đổi nào. Điều này đã được tổng thống xác nhận", ông Peskov nói.