Tuy nhiên, theo luật sư Bình, việc chứng minh hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia chưa có quy định cụ thể. Do đó, căn cứ để xác định có hay không hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia là cần người làm chứng hoặc trích xuất camera, những hình ảnh, video trong bàn nhậu thì mới có khả năng xử lý trách nhiệm.
“Có một điều chắc chắn rằng, người bị ép uống rượu, bia lần sau không dám ngồi cùng mâm, hoặc từ chối nhậu với người ép. Nếu không may, người bị ép uống rượu, bia đi đường gây tai nạn và xảy ra hậu quả nghiêm trọng, thì người ép phải ân hận và ám ảnh cả đời”, luật sư Bình nói.
Về việc xử lý hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia, luật sư Bình cho biết, căn cứ theo khoản 1, Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia năm 2019, thì hành vi này bị nghiêm cấm.
Còn theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sẽ phạt 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia. Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp hai lần.
Về thẩm quyền xử phạt hành vi cố ép người khác uống rượu bia sẽ do Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với người có hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia. Thẩm quyền xử phạt này căn cứ tại Điều 103, Điều 106, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP.