Dạy nghề cho học sinh bình thường đã khó, với những học sinh chưa ngoan lại còn khó hơn nhiều lần.
Vậy nhưng, những thầy, cô giáo tại Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề (CTXH - GDDN) thiếu niên TPHCM vẫn kiên trì, nỗ lực vì tương lai của những đứa trẻ kém may mắn.
Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng, Trung tâm CTXH - GDDN thiếu niên TPHCM còn là nơi dạy nghề và chăm sóc về vật chất, tinh thần cho thiếu niên từ 8 - 16 tuổi chưa ngoan, sống lang thang xin ăn, không nơi cư trú ổn định.
Thầy Trần Minh Quân (sinh năm 1980, ngụ TP Thủ Đức) về công tác tại trung tâm từ năm 2010. Từng tốt nghiệp ngành cơ khí ô tô, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nên được phân công dạy học viên nghề sửa chữa xe.
Thầy Quân cho biết, học viên ở đây mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần là mồ côi, bỏ nhà đi lang thang, bị kẻ xấu chăn dắt. Khi về trung tâm, các em được hỗ trợ tìm kiếm gia đình. Nếu gia đình có ý định đón về, trẻ sẽ được hồi gia sớm, trước 16 tuổi. Một số em vào trung tâm chỉ mới học mấy tháng, chưa vững nghề, khi được gia đình đón về, không nghề nghiệp, lại tiếp tục quay lại con đường cũ, đi lang thang...
Không ít học trò tính tình bướng bỉnh, bất trị, không nghe lời khiến thầy giáo trẻ đôi khi nản long. Thầy Quân từng có ý định chuyển công tác. Nhưng trái tim bao dung đã níu chân thầy Quân ở lại. Với quyết tâm tạo ra sự đổi thay tích cực, thầy đã đưa ra nhiều sáng kiến để giúp trò vững bước vào đời.
“Tôi sợ các em rời khỏi trung tâm mà tay nghề còn yếu, không ai nhận làm. Vì đó, mỗi lần đi làm về, thấy tiệm sửa xe nào treo biển tuyển người tôi đều giả vờ vào ứng tuyển để thăm dò nhu cầu tuyển dụng. Khi được chủ hỏi về khả năng của mình, tôi đều cố tình ấp úng trả lời chỉ biết sửa xe cơ bản, chưa lành nghề. Thấy thế, chủ các tiệm sửa xe nói thêm, nếu biết rửa xe sẽ tuyển vào vừa làm, vừa đào tạo”, thầy Quân nói.
Nắm bắt được nhu cầu cần nhân lực rửa xe, trở về nhà thầy Quân bắt đầu mày mò học hỏi trên mạng về các bước thao tác, các dụng cụ cần thiết cho công việc này. Mỗi ngày, sau giờ làm, thầy Quân chạy xe đi ra các tiệm để rửa, sau đó tranh thủ ngồi quan sát, học hỏi kinh nghiệm. Rửa nhiều, xe của thầy thường xuyên rất sạch, thầy lại tiếp tục mượn xe các thầy, cô ở trung tâm đem đi tiệm khác rửa.
Cứ thế, sau 3 tháng liên tục rửa xe và tự học, thầy Quân soạn giáo án, gửi đề xuất xin phép mở thêm lớp rửa xe. Từ ngày có lớp rửa xe, học trò nơi đây rất phấn khởi. Nhiều em học nghề này nhanh, ra khỏi trung tâm là có thể tìm được việc làm.
“Thầy khen nhiều hơn mắng. Nếu làm chưa tốt, thầy nhẹ nhàng khuyên bảo. Không chỉ là một người thầy, thầy Quân còn như một người cha của tụi con”, H.V.N (13 tuổi, quê An Giang) cảm động chia sẻ.
Những tấm thiệp được các em vẽ trong tiết học mỹ thuật để tặng thầy cô ở Trung tâm CTXH - GDDN thiếu niên TPHCM. |
Lần thứ hai quay lại Trung tâm CTXH - GDDN thiếu niên TPHCM, N.T.L (13 tuổi, ngụ TPHCM) mới cảm nhận được hết tình cảm mà đội ngũ giáo viên, nhân viên nơi đây dành cho mình. L chia sẻ: “Con được đưa vào đây lần một, rồi được ba mẹ đón về cùng anh trai. Sau đó, ba mẹ bỏ đi, con tiếp tục được chính quyền đưa vào trung tâm để nuôi dưỡng. Con chọn học nghề may, ở lớp của cô Ngọc”.
Với L, cô Ngọc không chỉ là người dạy nghề, mà còn như một người mẹ, người chị để em có thể trút hết những tâm sự, nói ra những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống. Em được cô giáo giải đáp, động viên, giúp đỡ và khắc phục để vươn lên. “Con mong sau này có thể ra nghề, mở một tiệm may nhỏ, kiếm được thu nhập để tự trang trải cuộc sống và dạy may cho những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt”, L tâm sự.
Cô Ngọc mà L nhắc đến là giáo viên Lý Thị Minh Ngọc (SN 1985, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM). Cô đã có hơn 10 năm gắn bó tại Trung tâm CTXH - GDDN thiếu niên TPHCM.
Chia sẻ về nghề, cô Ngọc cho biết, với trẻ bình thường thì môi trường giáo dục đầu tiên chính là gia đình, tiếp đến là nhà trường và xã hội. Các em ở trung tâm lại khác, đa phần đều không nhận được sự quan tâm chăm lo, giáo dục của gia đình hay nhà trường mà những bài học khắc nghiệt các em nhận được chủ yếu từ xã hội. Các em khi được đưa vào trung tâm thường rất ít nói và khép mình.
“Có những em lầm lì, trầm lặng, nhưng tiếp thu và làm việc rất tốt. Phải mất nhiều tháng sau, tôi mới biết em từng bị lạm dụng nên sống khép kín. Khi cảm nhận được sự chân thành, yêu thương của thầy cô, các em đều cố gắng thay đổi, có sự tiến bộ từng ngày”, cô Ngọc cho hay.
Niềm hạnh phúc của cô Ngọc và những giáo viên nơi đây hết sức đơn giản, chỉ mong các em có nghề ổn định, không xuất hiện trên những bản tin pháp luật. “Mỗi lần nghe tin học sinh mình có nghề nghiệp ổn định, tôi và các giáo viên ở trung tâm đều vui mừng. Nhưng khi xem thời sự, lỡ thấy học sinh mình bị bắt vì vi phạm pháp luật, tôi thực sự rất đau lòng”, cô Ngọc bộc bạch.
Còn thầy Quân thì chia sẻ rằng, không cần học trò phải làm gì cao siêu, chỉ mong các em ra đời có một công việc ổn định để có tiền tự nuôi sống bản thân.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH - GDDN thiếu niên TPHCM cho biết, hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng 84 em. Đa phần học viên đều mồ côi, thiếu thốn rất lớn về mặt tình cảm, không thể giáo dục các em một cách cứng nhắc mà phải thực sự mềm mỏng và bằng cả trái tim trao truyền ngọn lửa yêu thương. Những ngày lễ như Ngày Nhà giáo Việt Nam, thay vì nhận hoa, quà thì thầy cô chỉ đơn giản nhận được những chiếc thiệp nhỏ do học trò tự thiết kế rồi viết lời chúc.
“Chỉ cần các em nghe lời, lớn lên từng ngày và có thể trở lại hòa nhập cùng xã hội, làm một người có ích đã là phần thưởng quý giá với tất cả cán bộ, nhân viên và giáo viên của trung tâm”, bà Nguyễn Thị Thùy Dương chia sẻ.