Đỗ lớp 10 nhưng không nhập học, chuyện cũ của năm học mới

02/08/2023, 16:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù đã hạn chót nộp hồ sơ mà nhiều trường THPT ở TPHCM vẫn không đủ thí sinh, nhất là các trường ngoại thành, vùng ven...

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM năm 2023 có hơn 96 nghìn thí sinh dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập là hơn 77 nghìn học sinh. Thế nhưng, dù đã hạn chót nộp hồ sơ mà nhiều trường vẫn không đủ thí sinh, nhất là các trường ngoại thành, vùng ven.

Năm nào cũng thiếu

Sau nửa tháng nhận hồ sơ nhập học lớp 10 năm học 2023 - 2024, đến nay Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh) mới có hơn 450/730 học sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học. Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng, chia sẻ, con số này gần như “chốt” danh sách lớp 10 của trường năm học tới, bởi chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu.

Cũng theo cô Tâm, đa số học sinh trúng tuyển vào trường là nguyện vọng 3 (chiếm khoảng 50%), phần nhiều trong đó lại ở xa (khoảng 200 em cư trú ở các quận: Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè…). Thực tế tuyển không đủ chỉ tiêu, với gần 40% học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đã đặt ra bài toán khó trong xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chiến lược giáo dục, nhất là đối với chương trình mới.

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) có khoảng 80 em dù đã trúng tuyển lớp 10 nhưng không nộp hồ sơ nhập học. Trước đó, nhân viên nhà trường đã gọi điện đến cho từng trường hợp, phụ huynh cho biết hầu hết các em đã nhập học trường tư gần nhà. Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng, cho biết, tình trạng học sinh đỗ lớp 10 vào trường mà không đến nhập học diễn ra nhiều năm nay. Chưa năm nào Trường THPT Đào Sơn Tây tuyển đủ chỉ tiêu vì nhiều em đăng ký nguyện vọng vào trường nhưng ở địa bàn cư trú rất xa.

“Sau khi đỗ vào trường, phụ huynh và học sinh có đến tham quan thực tế nhà trường mới biết khoảng cách quá xa, nên họ cân nhắc cho con học gần nhà để tiện việc đưa đón”, cô Hảo chia sẻ thêm. Còn thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh), cho hay: “Tình trạng học sinh đỗ nhưng không nhập học diễn ra nhiều năm nay. Mỗi năm có khoảng 20 - 30 em dù trúng tuyển nhưng không nhập học đã tước đi cơ hội của nhiều học sinh khác”.

Được biết, nhiều năm qua một số trường THPT vùng ven đô luôn thiếu học sinh khi tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 nhưng không nhập học khá cao. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, hết ngày 26/7 đã có trên 71 nghìn học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập hoàn tất thủ tục nhập học, trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thường là trên 76 nghìn em. Như vậy còn gần 5 nghìn học sinh chưa thực hiện thủ tục nhập học lớp 10 sau khi biết kết quả trúng tuyển, tập trung chủ yếu ở các trường vùng ven.

Đỗ lớp 10 nhưng không nhập học, chuyện cũ của năm học mới ảnh 1

Phụ huynh đến nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 tại Trường THPT Đào Sơn Tây.

Không hạ điểm chuẩn, không tuyển bổ sung

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thành phố vẫn giữ tinh thần không hạ điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 như các năm học trước. Để giải bài toán các trường THPT vùng ven không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, ngành Giáo dục đã chủ động tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này để tạo điều kiện cho học sinh xung quanh khu vực có điều kiện trúng tuyển. Về cơ bản, các trường vẫn đảm bảo kế hoạch tuyển sinh đã đề ra.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, hiện nay còn một lượng học sinh dù cư trú ở các quận trung tâm nhưng vẫn đăng ký ở các trường vùng ven và trúng tuyển vào các trường này dẫn đến tình trạng nhà xa và không thể theo học. Từ đó, Sở GD&ĐT cho rằng việc hạ điểm chuẩn để tăng số lượng học sinh vào các trường này cũng không thể giải quyết được việc thiếu học sinh ở các quận, huyện vùng ven nhưng lại gây xáo trộn cho việc tuyển sinh của toàn thành phố. Dự kiến trong năm học 2024 - 2025, địa phương này sẽ tăng cường các giải pháp như tuyên truyền và đề ra một số phương án như ưu tiên khu vực… để từng bước giải quyết bài toán thiếu học sinh ở các trường vùng ven.

Thầy Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), nhận định, việc hạ điểm chuẩn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề trong công tác tuyển sinh. Chẳng hạn, trường còn thiếu 30 em, hạ điểm chuẩn nguyện vọng 1 xuống 0,5 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu, tuy nhiên những học sinh này đã đỗ vào nguyện vọng 2 đăng ký. Giờ hạ điểm thì những em đạt số điểm đã hạ xuống đã nộp nguyện vọng 2 rồi giờ quay lại nộp vào trường này. Nếu thực hiện sẽ gây sự xáo trộn cho các trường, đặc biệt khâu nhập học.

“Có ý kiến cho rằng Sở GD&ĐT TPHCM có thể tuyển bổ sung bằng mức điểm chuẩn của các trường cũng không ổn. Như vậy, những học sinh có điểm khá cao dù trượt ba nguyện vọng đã đăng ký vẫn có thể trúng tuyển vào một trường nào đó. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kỳ tuyển sinh năm tới.

Học sinh có học lực khá, giỏi sẽ đăng ký ba nguyện vọng vào những trường tốp đầu để cuối cùng dù rớt vẫn đủ điểm đậu vào những trường thấp hơn do có tuyển bổ sung. Như vậy, những em này sẽ có tới bốn nguyện vọng. Tôi cho rằng Sở GD&ĐT TPHCM không hạ điểm chuẩn và không tuyển thêm sẽ giúp kỳ tuyển sinh khách quan và công bằng hơn đối với tất cả thí sinh. Vì vậy, ngay từ đầu các em phải có sự lựa chọn thật hợp lý”, thầy Quý chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú, chia sẻ: “Năm học 2023 - 2024, nhà trường chỉ chuẩn bị nhân lực cho khoảng 10 lớp chứ không xây dựng chiến lược dài hơi. Khó khăn nhất là khó định hình số lượng lớp để xếp lớp cho giáo viên. Hiện tại, trường có 45 phòng học nhưng sử dụng hết công suất chỉ là 30 phòng. Thời gian qua, dù nhà trường có bố trí xe bus đưa đón học sinh đi học để thuận tiện cho những em ở xa nhưng các em chỉ học khoảng 1 năm lại xin chuyển trường vì nhà xa quá”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đỗ lớp 10 nhưng không nhập học, chuyện cũ của năm học mới