Đoạn chat giữa người mẹ và con gái 19 tuổi cho thấy: Có 1 kiểu yêu thương con quá "độc hại", hậu quả càng về sau càng nặng nề

HIỂU ĐAN | 22/04/2024, 21:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều người chỉ trích cô con gái nhưng cũng không quên chỉ ra sai sót của bà mẹ.

"Tôi phải làm sao khi sinh ra một đứa con 'đòi nợ' như vậy?" - Một đoạn than vãn của bà mẹ ở Trung Quốc được lan truyền rộng rãi trên mạng, thu hút sự quan tâm và tranh cãi rộng rãi.

Cùng với câu nói thể hiện sự bất lực, bà mẹ đính kèm nhiều bức ảnh chụp lại tin nhắn mô tả những mâu thuẫn giữa chị và cô con gái.

Cô bé năm nay 19 tuổi, theo trình độ học vấn bình thường, lẽ ra phải là sinh viên năm nhất đại học, nhưng cô lại không đi học đại học như dự kiến, suốt ngày ở nhà và nghiện game online.

Đoạn chat giữa người mẹ và con gái 19 tuổi cho thấy: Có 1 kiểu yêu thương con quá độc hại, hậu quả càng về sau càng nặng nề - Ảnh 1.

Người mẹ viết trong bài đăng: "Con bé ngủ cho đến khi mặt trời lên cao. Khi thức dậy, lập tức bật máy tính và bắt đầu chơi những trò chơi điên rồ. Con bé chơi hơn chục tiếng đồng hồ và không chịu đi ngủ, cho đến ba bốn giờ đêm".

Quá mê chơi game cũng ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của cô gái.

Người mẹ cũng cho biết: "Đến giờ ăn, con bé không hề ngồi cùng gia đình mà nhất quyết gọi đồ ăn, hơn nữa con bé cũng rất kén chọn đồ ăn, không bao giờ ăn trái cây bình thường. Trong mắt con bé chỉ có những loại trái cây đắt tiền mới đáng để nó ăn.

Không chỉ vậy, con gái chị còn mất đi khả năng cơ bản để tự chăm sóc bản thân. Căn phòng đầy rác rưởi và quần áo bẩn, gần như không có chỗ để chân. Bà mẹ rất xấu hổ khi người ngoài nhìn thấy cảnh tượng của con gái mình.

Chị đã nhiều lần thuyết phục con gái ra ngoài và chăm chỉ học tập nhưng bị phớt lờ. Mới đây, cô con gái đột nhiên yêu cầu mua một chiếc máy tính chơi game mới vì cảm thấy cấu hình máy hiện tại quá thấp, ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi game.

Tiền bạc không dư dả, lại sợ nếu có máy mới con càng nghiện game nên bà mẹ muốn thuyết phục con gái từ bỏ. Vì thế hai mẹ con nảy ra tranh cãi.

Trong đoạn tin nhắn được chia sẻ, bà mẹ trả lời: "Tự kiếm tiền mà mua". Cô con gái phản biện: "Vậy ban đầu mẹ hỏi con giá tiền để làm gì? Nếu không muốn mua thì cứ nói thẳng, kì kèo đến bây giờ để làm gì? Để con hy vọng rồi lại thất vọng, mẹ cảm thấy vui lắm sao?". Sau đó "block" (chặn) mẹ mình trên mạng xã hội.

Hầu hết cư dân mạng đều rất không hài lòng với cách hành xử của cô con gái. Một người đã trưởng thành mà không làm gì cả, suốt ngày đắm chìm trong game, không chỉ lãng phí cuộc đời mà còn lãng phí công sức của mẹ.

"Nếu con bé tự mình đi làm kiếm tiền mua thiết bị chơi game thì cũng không sao, nhưng hiện tại không làm gì cả mà vẫn mong mẹ hỗ trợ. Điều này rõ ràng không chấp nhận được", một người nói.

Tuy nhiên hầu hết ý kiến đều cho rằng tính cách và thói quen sinh hoạt của cô con gái không thể tách rời khỏi phương pháp giáo dục của gia đình. Cha mẹ không thiết lập những giá trị đúng đắn cho con cái ngay từ khi còn nhỏ và dạy chúng khả năng tự chăm sóc bản thân. Lớn lên, không khó hiểu khi đứa trẻ trở nên ỷ lại, dựa dẫm.

Con ỷ lại vì cha mẹ nuôi dạy sai

Ngày càng có nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái phụ thuộc, ỷ lại.

Đa số họ có điều kiện kinh tế tốt. Họ có của cải để cho con nhưng cũng thừa hiểu rằng "miệng ăn núi lở" nên lo lắng sau này khi mình xảy ra chuyện thì không biết tương lai con ra sao.

Tuy nhiên, một vấn đề phổ biến trong giáo dục gia đình hiện nay là cha mẹ quá chiều chuộng con cái, cho con quá nhiều sự thỏa mãn về vật chất mà bỏ bê việc rèn luyện nhân cách đạo đức và kỹ năng sống.

Nhiều trẻ em bây giờ đã có điều kiện vật chất tốt từ khi còn nhỏ, có đủ thứ để ăn, uống và vui chơi. Không ai dạy chúng những mục tiêu trong cuộc sống và những phẩm chất cần có. Khi lớn lên, chúng chỉ biết làm thế nào để ăn, uống và vui chơi, và không thể chịu đựng được bất kỳ trở ngại nào.

Ngoài ra, một phần khác, có thể do sự áp đặt của bố mẹ từ nhỏ, khiến trẻ luôn làm mọi thứ theo ý người lớn, trưởng thành mất phương hướng, không tự chủ và thích thú ngành mình học, việc mình làm, sinh ra chán nản, buông xuôi.

Sự thỏa mãn về vật chất là quan trọng nhưng việc trau dồi tinh thần còn quan trọng hơn. Cha mẹ nên hướng dẫn con đúng cách và kịp thời sửa chữa mọi hành vi sai trái.

Một số bậc cha mẹ luôn cho rằng con mình còn nhỏ, chưa hiểu nhiều thứ, lớn lên sẽ thay đổi. Tuy nhiên, một khi bỏ lỡ cơ hội giáo dục tốt nhất thì sẽ quá muộn để sửa chữa nhân cách cho con sau này.

Cha mẹ cần dạy con tự lập từ bé, chủ động "buông tay" sớm một chút để con biết tự chủ cuộc sống. Việc này cũng giúp trẻ bồi đắp lòng tự trọng, biết chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân và có ý thức giúp đỡ gia đình.

Trẻ em giống như một tờ giấy trắng, có rất nhiều quan niệm, thói quen cần được khắc ghi và định hình. Ngay cả khi chúng đã mắc phải một số thói quen xấu, chỉ cần cha mẹ hướng dẫn bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn, cuối cùng con sẽ tìm ra con đường của mình.

Cho dù không thể thay đổi hoàn toàn hành vi hiện tại của trẻ thì ít nhất cũng nên để trẻ cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cha mẹ.

Với những gia đình con đã trưởng thành nhưng vẫn không chịu tự lập, bố mẹ cần vừa khích lệ con làm việc, lo cho bản thân, vừa phải ngừng chu cấp cho con. Việc "cắt viện trợ" cần được thực hiện có kế hoạch và dần dần. Hãy thông báo cho con biết trong một khoảng thời gian nào đó (6 tháng hay một năm) bố mẹ sẽ không chu cấp nữa, con phải tự lo liệu cuộc sống của mình. Đó cũng là cơ hội cho con thực sự trưởng thành. Nhiều khi, cần bị áp lực và ở thế phải tự chịu trách nhiệm, những người ỷ lại mới nỗ lực.

Bài liên quan
Cách giúp con thông minh vượt trội của 3 nước xếp top đầu những quốc gia nuôi dạy con tốt nhất
Ngoài những yếu tố như kinh tế phát triển, các cá nhân được tạo điều kiện dành thời gian cho gia đình thì điều khiến 3 quốc gia trên đứng đầu bảng xếp hạng là bởi: Các bậc phụ huynh ở bán đảo này có cách dạy con cực kỳ đặc biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoạn chat giữa người mẹ và con gái 19 tuổi cho thấy: Có 1 kiểu yêu thương con quá "độc hại", hậu quả càng về sau càng nặng nề