"Kiến nghị Liên Bộ Tài Chính - Công Thương thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng/lít chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu?", đơn kiến nghị cho biết.
Trước đó, trong phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về thị trường xăng dầu cuối tháng 2, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng cho biết, hơn một năm qua họ phải bán hàng với chiết khấu 0 đồng. Họ ước tính số lỗ một năm qua khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng, chủ yếu do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp.
Đại diện Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường nhận xét bức tranh thị trường "rất bất ổn". Theo ông, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 1/1/2022, nhưng đã bộc lộ bất cập khi chưa tính đúng, đủ chi phí cấu thành giá cơ sở và không đảm bảo hài hòa lợi ích 3 khâu: đầu mối, phân phối và bán lẻ. Việc này dẫn tới khâu bán lẻ, kênh trực tiếp thể hiện bức tranh toàn cảnh về thị trường xăng dầu, chịu cảnh thua lỗ triền miên hơn một năm qua.
Liên quan đến chi phí lợi nhuận định mức, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết Bộ Tài chính rất nỗ lực cùng Bộ Công Thương nhưng diễn biến thị trường thời gian qua, chi phí biến động liên tục nên phải thông cảm cho Nhà nước không thể kịp theo những biến động quá nhanh. Nếu giữ cách thức như hiện nay phải chấp nhận ưu và nhược điểm.
“Trong thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối mà doanh nghiệp đầu mối cũng khó khăn. Tất cả các khâu khi kinh doanh thua lỗ, bán ra càng nhiều thì đều muốn hạn chế không riêng gì thương nhân đầu mối. Chúng ta phải xử lý căn cơ vấn đề này thế nào?", ông Đông đặt vấn đề.