Pháp luật

Doanh nghiệp được cựu vụ phó 'tạo điều kiện' gây thiệt hại hơn 105 tỷ đồng

Theo Hoàng An 03/02/2025 08:02

Sau khi bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính có thông báo và gửi công văn đề nghị, đôn đốc Công ty Bách Khoa Việt thực hiện nghĩa vụ nộp hơn 107 tỷ đồng Quỹ BOG nhưng doanh nghiệp chỉ nộp hơn 1,6 tỷ đồng, số còn lại không còn khả năng thanh toán.

Như Tiền Phong đưa tin, Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can: Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương) về tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Long Hưng) về tội “Đưa hối lộ”; Trần Trác Việt Đức (Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt) và Đỗ Thị Tuyết Nga (Kế toán trưởng) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Theo cáo buộc, quá trình kiểm tra thực tế trước khi cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối; thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt và Công ty Long Hưng, bị can Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ tổng số tiền 14,2 tỷ đồng để “tạo điều kiện” cho hai doanh nghiệp trên.

Ngoài đưa, nhận hối lộ, Viện kiểm sát còn làm rõ hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Công ty Bách Khoa Việt.

Doanh nghiệp được cựu vụ phó 'tạo điều kiện' gây thiệt hại hơn 105 tỷ đồng- Ảnh 1.
Các bị can Nguyễn Lộc An, Trần Trác Việt Đức, Đỗ Thị Tuyết Nga.

Sử dụng Quỹ BOG sai mục đích, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Cụ thể, sau khi được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu ngày 22/6/2016, Công ty Bách Khoa Việt mở tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG) tại ngân hàng BIDV chi nhánh Bến Nghé để hạch toán, theo dõi tiền quỹ.

Quá trình kinh doanh, Viện kiểm sát cho rằng Công ty Bách Khoa Việt không thông báo tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của BIDV chi nhánh Bến Nghé nơi Công ty mở tài khoản tiền gửi Quỹ BOG đến Bộ Công thương, Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư liên tịch số 39/TTLT/BCT-BTC. Doanh nghiệp này chỉ gửi “Báo cáo tình hình trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG” được lập theo tháng (từ ngày 1/7/2016 - 31/1/2021).

Kết thúc năm tài chính, Công ty Bách Khoa Việt không tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG, bảng tính toán chi tiết số lãi tiền gửi đã hạch toán tăng Quỹ BOG và số tiền lãi vay phát sinh hàng tháng, số dư Quỹ BOG cuối kỳ gửi liên Bộ Tài chính - Công Thương để kiểm tra, giám sát, theo quy định.

Theo Viện kiểm sát, tài liệu điều tra xác định, từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến khi bị thu hồi giấy phép (ngày 12/3/2021), Công ty Bách Khoa Việt xuất bán tổng số hơn 10,6 triệu lít xăng RON95; hơn 22,5 triệu lít xăng RON92 và hơn 538,5 triệu lít dầu Diezel theo 6.925 tờ hóa đơn Giá trị gia tăng.

Căn cứ các thông báo điều hành kinh doanh, đối chiếu với lượng xăng dầu xuất bán, Viện kiểm sát cho rằng, Công ty Bách Khoa Việt phải trích lập Quỹ BOG và nộp vào tài khoản tiền gửi quỹ tổng số hơn 188 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp không nộp đủ.

Kết quả điều tra thể hiện, quá trình vận hành công ty, bị can Trần Trác Việt Đức (Giám đốc) đã chỉ đạo bị can Đỗ Thị Tuyết Nga (Kê toán trưởng), chi sử dụng hơn 107 tỷ đồng Quỹ BOG không đúng mục đích.

Sau khi Công ty Bách Khoa Việt bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính có thông báo và gửi công văn đôn đốc Công ty thực hiện nghĩa vụ nộp hơn 107 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước nhưng đến ngày 27/5/2021, doanh nghiệp chỉ nộp được hơn 1,6 tỷ đồng; không còn khả năng nộp số tiền trên 105,7 tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách.

Xác minh tại Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xác định khi Bộ Công Thương ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đối với thương nhân đầu mối thì doanh nghiệp phải nộp toàn bộ số dư Quỹ BOG vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp chưa nộp lại số dư Quỹ BOG vào ngân sách thì doanh nghiệp vẫn đang có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu gây thất thoát phải chịu trách nhiệm.

Kết quả xác minh tại ngân hàng BIDV cho thấy, Công ty Bách Khoa Việt mở 2 tài khoản tiền gửi thanh toán tại BIDV chi nhánh Bến Nghé. Hồ sơ mở 2 tài khoản "không có nội dung mục đích sử dụng làm tài khoản tiền gửi Quỹ BOG", trong suốt quá trình giao dịch công ty cũng không thông báo chính thức cho BIDV biết thông tin về tài khoản tiền gửi Quỹ BOG.

Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/doanh-nghiep-duoc-cuu-vu-pho-tao-dieu-kien-gay-thiet-hai-hon-105-ty-dong-post1713862.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/doanh-nghiep-duoc-cuu-vu-pho-tao-dieu-kien-gay-thiet-hai-hon-105-ty-dong-post1713862.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp được cựu vụ phó 'tạo điều kiện' gây thiệt hại hơn 105 tỷ đồng