Ngành cơ khí, chế biến chế tạo không giống như các ngành dịch vụ - có thể sinh lời sớm. Để đầu tư sản phẩm cơ khí, công nghiệp, doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ, chất lượng sản phẩm nên cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Trong khi thị trường tại thời điểm này vẫn chưa thực sự sáng sủa. Hoạt động của doanh nghiệp thực chất vẫn đang ở trạng thái duy trì, giữ chân người lao động và khách hàng", ông Long nói.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đoàn, đại diện Công ty cơ khí SKD Việt Nam cho hay, cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp cơ khí, từ lãi suất vay đến tiếp cận vốn vay để vực dậy ngành này. Doanh nghiệp vẫn đang cầm chừng sản xuất, chưa dám đầu tư mở rộng về công nghệ, máy móc, đó là chưa nói đến việc chuyển đổi số, hiện đại hóa.
Nhu cầu từ các thị trường chưa thực sự phục hồi khiến doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được các đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vẫn còn cao.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong quý I/2023, đơn hàng của các doanh nghiệp gia công đã giảm từ 25 - 27% so với cùng kỳ năm trước do sức mua trên thế giới giảm sút.
Mặc dù phía ngân hàng đã quyết định tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn nên việc vay vốn và tiếp cận vốn không phải dễ dàng.
"Chúng tôi mong có cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp như cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên các nhóm nợ… để doanh nghiệp duy trì dòng vốn đảm bảo hoạt động qua thời gian khó khăn này. Cùng đó, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục giảm thuế, hoãn thuế; có mức lãi suất hợp lý với một số ngành hàng xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, tạo nhiều việc làm để khuyến khích doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định lao động…", ông Giang nói.