Theo đó, hiệu quả kinh doanh của Thaco trong năm 2022 tăng mạnh so với năm liền trước khi lợi nhuận sau thuế đạt 7.420 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2021. Với kết quả này, Thaco trở lại mốc lợi nhuận trên 7.000 tỷ đồng sau 5 năm.
Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, vốn chủ sở hữu của Thaco cũng tăng gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 khi tăng từ 46.691 tỷ đồng lên thành 48.445 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng vốn chủ sở hữu, nợ phải trả của Thaco cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,76 lần lên 2,16 lần. Tương đương, nợ phải trả của Thaco tăng từ hơn 82.176 tỷ đồng trong năm 2021 lên hơn 104.641 tỷ đồng trong năm 2022, tăng hơn 22.465 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 năm.
Theo bản báo cáo, riêng dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của Thaco là 0,17 lần. Như vậy, doanh nghiệp này còn khoảng 8.200 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Trong khi đó, dữ liệu từ HNX cho thấy công ty mẹ Thaco đang lưu hành 3 lô trái phiếu với tổng trị giá 6.200 tỷ đồng, sẽ đáo hạn lần lượt vào các tháng 12/2024, 12/2025 và tháng 9/2026.
Ngoài ra, công ty con là Công ty Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) cũng có 1 lô trái phiếu riêng lẻ 2.400 tỷ đồng được phát hành vào tháng 10/2021 và sẽ đáo hạn vào tháng 10/2026.
Với việc nợ phải trả và vốn chủ sở hữu cùng tăng trong năm 2022, kéo quy mô tổng tài sản của Thaco lên mức hơn 153.000 tỷ đồng, tổng tài sản của Thaco tương đương với một số tập đoàn tư nhân lớn như VinFast hay Masan Group và thấp hơn một chút so với Sovico Group (165.000 tỷ đồng) hay Hòa Phát (170.000 tỷ đồng).
Trong năm 2023, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đặt mục tiêu phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với 6 công ty thành viên trong các lĩnh vực: Ôtô; cơ khí và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp; logistics; đầu tư và xây dựng thương mại; dịch vụ có tính bổ trợ và tích hợp cao.
Với mảng ôtô, nhà sản xuất dự báo thị trường sẽ ảm đạm trong năm nay nên đặt mục tiêu doanh số trên 120.000 xe (trong đó, xe du lịch là 96.000 xe, xe tải 23.500 xe, xe bus và mini bus 1.500 xe). Tổng doanh thu hợp nhất trước thuế là trên 90.000 tỷ đồng trong đó doanh thu dịch vụ là 5.200 tỷ đồng.
Chỉ tiêu doanh thu cho lĩnh vực công nghiệp là hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó thị trường xuất khẩu chiếm hơn 9.600 tỷ, tương đương 400 triệu USD.
Với mảng nông nghiệp, tổng doanh thu hợp nhất trước thuế năm nay ước đạt 10.000 tỷ đồng, phát triển diện tích trồng chuối lên 14.000 ha, diện tích cao su chăm sóc khai thác lâu dài 12.000 ha; đầu tư trang trại với quy mô đàn bò đến cuối năm hơn 100.000 con và heo 215.000 con.
Mảng cung ứng dịch vụ logistics, Thilogi đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 4,5 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2022. Tổng doanh thu năm 2023 dự kiến đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bất động sản, Thaco đã phân cấp cho Thadico quản lý và phụ trách hoạt động đầu tư. Tập đoàn dự kiến khởi công 24 dự án bao gồm các loại hạ tầng, giao thông, thương mại, nhà ở trong giai đoạn tới. Với Thiso, dự kiến năm nay tổng doanh thu cả chuỗi đạt 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2022.