Ảnh minh họa. |
Cách đây không lâu, tôi có dịp làm việc với nhóm chuyên gia về đánh giá môn học. Tôi có hỏi chuyên gia lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, rằng vì sao gần đây nhiều đề thi ngữ văn khiến dư luận bức xúc vì ngữ liệu không đạt? Họ nói: Chúng tôi cũng khuyến nghị rằng việc lấy ngữ liệu phải chuẩn xác, rõ nguồn uy tín. Tuy nhiên, rất tiếc, một vài người đã không để ý, chỉ bằng cảm xúc, bằng kinh nghiệm cá nhân nên lựa chọn không chuẩn.
Và họ cũng nói, giống như môn Toán, những tư liệu cho nhà trường thuộc về Ngữ văn, Tiếng Việt đang ít được đọc. Không nhiều giáo viên đọc thường xuyên các loại báo như: Thiếu niên Tiền phong, Văn nghệ, Tạp chí Văn học, Tuổi trẻ và Báo GD&TĐ,… chưa nói đến những tác phẩm chuyên sâu khác mà đáng lẽ giáo viên phải đọc (vì thuộc lĩnh vực chuyên môn).
Đến đây tôi lại lấy làm tiếc khi nhớ lại kỉ niệm cách đây đã 4 - 5 năm, khi tôi “huấn luyện phương pháp” cho một giáo viên dạy giỏi văn ở một tỉnh. Chúng tôi nói về tiết dạy “Chữ người tử tù”, sau khi trao đổi, cô ấy nắm tay tôi và nói: Chị lấy làm hối hận vì đã không đọc nhiều hơn về Nguyễn Tuân, về Lịch sử, những phê bình về tác phẩm và những chuyển thể khác như điện ảnh, như sân khấu; trong khi chị không thiếu thốn, chị chưa biết cách.
Ở trên tôi nói về thú, còn bây giờ tôi nói đọc là một trách nhiệm với những ai làm nghề giáo. Những người bạn làm sách của tôi, rồi anh Vũ Trọng Đại cũng nhắc lại cho tôi hôm trò chuyện về chủ đề “Sách tìm gì ở chúng ta” từng nói: Giáo viên Việt Nam ít đọc sách khoa học, kể cả khoa học giáo dục. Trong khi ngay cả kiến thức về nghề cũng đã phát triển, khiến cho cứ 5 năm chúng ta sẽ cảm thấy lạc hậu. Mà thực tế, giáo dục không chỉ là dạy học một môn học nào đó, là quá trình mang thế giới đến cho đứa trẻ một cách chân thực, trong đó có cả cách sống, chân dung của người Thầy…