Đòi hỏi và đóng góp

Chu Cẩm Thơ | 28/03/2023, 07:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vừa rồi chúng tôi thảo luận với nhau về xử lí các vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế.

Chúng tôi nhắc đến những khủng hoảng gần đây: Đàm phán về môi trường thất bại, vấn đề tranh chấp trên biển, chiến tranh thương mại (bắt đầu từ những mối đe dọa về sở hữu thành tựu không gian số)… Chẳng hiểu sao tôi nhớ đến chị bạn, người đã nói: “Chúng tôi muốn tổ chức các hoạt động quốc tế, ngay tại Việt Nam, vì chúng tôi muốn thể hiện ‘một Việt Nam đóng góp, chứ không phải một Việt Nam đòi hỏi’”.

Đòi hỏi - ĐƯỢC

Đóng góp - MUỐN

Chúng ta thường nhắc nhau trong cuộc sống, trong đấu tranh phải giữ vững “lợi ích”, phải ĐÒI HỎI để mình không bị thiệt. Tôi nghĩ rằng điều đó không sai. Nhưng tại sao khi chúng ta quyết tâm làm điều đó, vì điều đó thì chúng ta lại không tiến xa được, thậm chí, những xung đột không được giải quyết. Như vậy, “lợi ích trước mắt chẳng có được, mà lâu dài thì chắc là càng không?”.

Tôi nhớ bản tin thời sự mới đây có nhắc đến “thẻ vàng thủy sản đối với Việt Nam” chưa được “xóa”. Có một vấn đề là nguyên nhân, chính là: Ngư dân của ta đi đánh bắt xa bờ (tại những vùng biển khai thác chung) không có giấy phép, hoặc sử dụng những phương tiện, công cụ mang tính hủy diệt. Câu chuyện đặt ra là: Giả sử, người tiêu dùng họ vẫn được sử dụng những con cá từ tự nhiên, lợi ích của họ được đảm bảo, thì sao họ vẫn từ chối!!! Khi họ yêu cầu người cung cấp “con cá” phải có thêm những lợi ích mà họ không được hưởng trực tiếp: Như khai thác bền vững, khai thác đúng luật thì họ có mục đích gì!?

Đòi hỏi và đóng góp ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) sắp xếp sách tặng bạn hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa

Tôi nghĩ họ đã “ĐÓNG GÓP”. Đóng góp này không phải tiền bạc, không phải lợi ích kinh tế (vì có thể họ phải trả giá cao hơn cho những sản phẩm được làm từ ĐÓNG GÓP). Họ đóng góp những sáng kiến, những giải pháp, và cả những YÊU CẦU để làm cho cuộc sống tốt hơn, thế giới đẹp hơn, bền vững hơn. Đấy cũng là lí do để chúng ta nên nghĩ về những chỉ tiêu, những vấn đề mang tính toàn cầu, dựa vào LỢI ÍCH TOÀN CẦU để có thể đàm phán, để có thể thay đổi chính mình. Chẳng hạn: Các chỉ tiêu phát triển bền vững, tự do thương mại, phát triển con người…

Ngay trong lĩnh vực kinh tế, một “ĐÓNG GÓP” của doanh nghiệp: Chi 20 đồng/sản phẩm cho bao bì an toàn hơn, giá sản phẩm đã tăng, nhưng lại thu hút nhiều khách hàng là vì sao?

Rồi trong lĩnh vực giáo dục, tôi nói với các đồng nghiệp: Vì sao chúng ta phải tổ chức những khóa học miễn phí, phải nghiên cứu nhiều tài liệu để “cho tặng”, tại sao chúng ta phải học, phải biết nhiều hơn những gì chúng ta phải dạy…? Là vì chúng ta ĐÓNG GÓP cho những hiểu biết đó đến với cộng đồng, là môi trường dưỡng nuôi chúng ta sống và phát triển, là ĐÓNG GÓP cho chính mình.

Rồi tôi nhớ ngày Giao thừa đó, ai cũng thắc mắc “Vì sao tôi lại đi tặng sách cho những người ở đô thị, họ không hề nghèo?”, vì lúc đó chúng tôi muốn ĐÓNG GÓP một sáng kiến: “Ai nhận được một món quà bất ngờ từ cuộc đời ngay cả khi họ không cần, thì họ sẽ có thể tặng cho đời những thứ tốt đẹp hơn thế”.

ĐÒI HỎI - tư duy ĐƯỢC

ĐÓNG GÓP - tư duy MUỐN.

Cái ĐƯỢC trong khi chúng ta ĐÓNG GÓP là gì? Đấy là một tầm nhìn rộng hơn những lợi ích mà chúng ta thấy mình đáng được hưởng trong phạm vi chúng ta đúng về mặt lí lẽ. Và khi chúng ta làm thế, chúng ta sẽ nghĩ đến tương lai chứ không phải là những gì trước mắt. Nhưng trước hết, tôi nghĩ: Luật chơi của thời đại chính là ĐÓNG GÓP, phải bắt đầu từ những lợi ích chung chứ không phải của bản thân mình.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đòi hỏi và đóng góp