Tôi chỉ đọc bài này khi nó được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 6 mới, được cư dân mạng bàn tán. Đã đọc bình luận của nhiều người chê, khen. Cũng đọc tác giả trao đổi lại những ai chê mình.

Đã đọc bài của nhà văn Hồ Anh Thái viết về thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Đã đọc bài của một giáo viên có tên tuổi trong làng giáo Thái Nguyên khen bài này. (Và có nhiều người khen, cũng không ít người chê, nhưng đều nhận được sự cám ơn!)

Và đọc bài của anh Hoàng Dân, một giáo hữu mà tôi nể trọng.

Gần đây tôi lại được đọc bài của cô giáo Phan Thị Thanh Thủy trên Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam tháng 7+8 năm 2021.

Để tránh hiểu lầm gây khó cho giáo viên, học sinh và bạn đọc, xin có vài lời.

Thật tình thì việc “bắt nạt” là chuyện từ muôn thuở, đâu phải bây giờ mới xuất hiện. Kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Ma mới bắt nạt ma cũ. Đó là hành động cậy thế, cậy quyền, cậy sức dọa dẫm, bắt người ta phải sợ, phải theo ý mình. Hành động bắt nạt dù với bất cứ hình thức nào, dù với bất cứ lí do gì, trong cộng đồng đều nhất trí coi là hành động xấu, đáng phê phán, đáng lên án.

Nhắc nhở các em rằng, hành động bắt nạt là xấu, là hôi, là không cần thiết. Không nên bắt nạt. Thay vì bắt nạt thì làm những chuyện tốt đẹp, vui vẻ, bổ ích khác chẳng tốt hơn, hay hơn ư? Ví như hát, nhảy hiphop…

Đó là những ý tưởng rất tốt. Chê hành vi bắt nạt là cần, là có tính giáo dục.

Tuy vậy, việc triển khai ý tưởng này thành bài thơ như tác giả thì không thành công.

Thứ nhất, nó là một bài vè có vần, có nhịp, nhưng mọi thứ đã nói trắng phớ cả ra rồi. Như là lời kêu gọi, lời hô hào. Chả có hình ảnh nào trong những câu này:

Bắt nạt là xấu lắm

Đừng bắt nạt, bạn ơi

Bất cứ ai trên đời

Đều không cần bắt nạt

(Thật ra thì một số ít kẻ bất tài, huênh hoang, muốn khuất phục người khác vẫn cần bắt nạt).

Thứ hai, đoạn dưới này cũng không có hình ảnh gì cả, mà diễn đạt lại không phù hợp với chuyện “bắt nạt”. Ăn mù tạt là đối diện thử thách. Trêu mù tạt lại là thử sức với kẻ mạnh ư? Cái món mù tạt, hạt cải cay bỗng dưng được đưa vào để thách kẻ bắt nạt, thật quá tùy tiện theo kiểu đồng dao dở!

Ảnh minh họa bài thơ.

Sao không ăn mù tạt**

Đối diện thử thách đi?

Thử kẻ yếu làm gì

Sao không trêu mù tạt?

Việc đưa ra lời khuyên coi như là không cần bắt nạt ở mọi chỗ, mọi nơi, nhưng mà chả theo một mạch lạc nào. Hãy xem:

Đừng bắt nạt người lớn

Đừng bắt nạt trẻ con

Đừng bắt nạt nước khác

Trên khắp trái đất tròn

Đừng bắt nạt mèo, chó

Đừng bắt nạt cái cây

Đừng bắt nạt ai cả

Vì bắt nạt dễ lây

Trẻ con làm sao mà bắt nạt người lớn được? Khuyên người lớn hay khuyên trẻ con? Đừng bắt nạt nước khác lại khuyên các chính phủ, các nguyên thủ quốc gia? Rồi lại khuyên trẻ con (và có thể cả người lớn) không bắt nạt mèo, chó, cái cây và cả con người! Trình bày quá tùy tiện, lộn xộn. Và cái lí cho lời khuyên thì thật ngô nghê, kì quặc: “Vì bắt nạt dễ lây”! Chả lẽ vì “dễ lây” mà người ta phải ngừng, dừng, đừng, thôi, chấm dứt bắt nạt sao? Bắt nạt có phải là biến thể Delta của Covid-19 đâu!

Để kết thúc thì lại càng buồn cười. Tự tin không phải lối:

Bạn nào bắt nạt bạn

Cứ đưa bài thơ này

Bảo nếu cần bắt nạt

Thì đến gặp tớ ngay

Tưởng là tớ có phép màu gì, hóa ra chỉ là anh chàng chịu bắt nạt nhiều rồi, bị bắt nạt quen rồi. Có tính tếu táo nhưng đây không phải là lúc “tếu”. Gặp anh ta làm gì? Ngỡ là được giải cứu, được bênh vực, được trừng phạt kẻ bắt nạt. Nhưng không phải. Té ra:

Cứ đến bắt nạt tớ

Bị bắt nạt quen rồi

Hóa ra anh chàng cũng chả có cách nào, chả có “võ” gì. Chỉ là hứng chịu bắt nạt thay cho bạn, bởi anh ta quen bị bắt nạt!

Vẫn không thích bắt nạt

Vì bắt nạt rất hôi!

Thế đấy! Vòng vo Tam quốc một hồi thì chả thêm được điều gì mới. Mở đầu đã bảo “Bắt nạt là xấu lắm”. Kết thúc thì “bắt nạt rất hôi”.

Tóm lại, đây là một bài vè, một bài vè vụng, kém cỏi, dù ý định là tốt là đáng hoan nghênh! (Tôi ngạc nhiên khi cô Phan Thị Thanh Thủy tìm được chất thơ trong bài vè quá dở này!).

Cũng không nên trách tác giả. Và trách người tuyển chọn cũng vừa thôi. Bởi vì người tuyển chưa hẳn là nhà thơ, có khi chỉ thấy mục đích giáo dục phù hợp. Mà ngay các nhà thơ khi chọn bài trao giải thưởng, bài đăng báo vẫn bị chê đó thôi.

Bàn bạc về một bài thơ thì người khen, người chê là chuyện thường. Điều quan trọng là cần lắng nghe nhau để tìm ra cái đúng! (Thật khá khôi hài là tác giả khuyên bạn trẻ rằng “Bắt nạt là xấu lắm”, nhưng khi bạn trẻ vào chê thơ mình thì tác giả lại ngạo nghễ “bắt nạt” họ!)

Tôi nói ra điều này chỉ bằng cảm thụ cá nhân. Ai đồng tình cũng vui. Mà ai phản đối, cũng quý, vì có đọc kĩ, người ta mới phản đối! Tôi vẫn tin vào cụ Nguyễn Du khi cụ tổng kết: “Mà trong lẽ phải có NGƯỜI, có TA”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi lời xung quanh bài thơ Bắt nạt