Với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, theo thầy Trần Văn Nga, khó khăn của trường trong công tác này là một bộ phận học sinh chưa xác định đúng mục tiêu lý tưởng; học sinh có năng lực nhưng thiếu khát khao chinh phục đỉnh cao tri thức. Một số học sinh được định hướng đi du học hoặc xét tuyển vào đại học nên không hăng hái tham gia các cuộc thi học sinh giỏi.
Cùng đó, tuyển chọn giáo viên dạy chuyên còn khó khăn, một số bộ môn vẫn thiếu giáo viên có năng lực vượt trội để bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiệm vụ của giáo viên dạy chuyên đòi hỏi ngày càng cao, vừa tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi, vừa đảm bảo chất lượng đại trà và các hoạt động toàn diện nên ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự sắp xếp thời gian cho công việc. Điều kiện kinh tế, địa lý cách trở nên việc tham gia tập huấn với các chuyên gia của học sinh nhà trường còn nhiều khó khăn.
Trong 5 năm gần đây, kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Bắc Ninh luôn nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ học sinh đoạt giải và số giải Nhất. Để có kết quả này, thầy Hà Huy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bắc Ninh, cho biết, Sở GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo nhà trường trong thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức thi chọn, thành lập đội tuyển, tổ chức kỳ thi, kế hoạch bồi dưỡng đội tuyển. Công tác chỉ đạo luôn bám sát văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, công tác tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Bắc Ninh luôn duy trì nghiêm túc, đúng quy chế, chọn được những học sinh xuất sắc.
“Tại Bắc Ninh, Sở GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn liên thông xuyên suốt từ hệ thống các trường THCS trọng điểm trong tỉnh với trường THPT chuyên. Giáo viên Trường THPT chuyên Bắc Ninh được cử về các trường THCS trọng điểm dạy chuyên đề nâng cao, đồng thời tìm kiếm, phát hiện sớm những nhân tố để bồi dưỡng, khuyến khích các em vào trường chuyên. Do đó, chất lượng tuyển sinh lớp 10 được nâng cao”, thầy Hà Huy Phương cho biết.
Ảnh minh hoạ/ INT |
Với giải pháp được nhà trường triển khai, thầy Hà Huy Phương chia sẻ: Trường làm tốt công tác tuyên truyền trong học sinh, phụ huynh về quyền lợi, nghĩa vụ, ưu thế của người tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Về công tác quản lý, tiếp tục thực hiện giao việc phải có áp lực, tạo điều kiện thực hiện thật tốt để biến áp lực thành động lực. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình môn chuyên xuyên suốt từ lớp 10 - 12 theo từng giai đoạn, với mục tiêu phù hợp.
Có kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo cho học sinh đội tuyển có kiến thức vững vàng theo khối thi xét tuyển đại học để các em thật sự toàn tâm, toàn ý cho thi học sinh giỏi. Phân công nhiệm vụ không “mặt trận”, huy động sức mạnh tập thể nhưng đề cao sự phấn đấu và trách nhiệm cá nhân. Thực hiện nghiêm túc kỷ cương trong dạy - học.
“Cùng các giải pháp trên, nhà trường đồng thời chú trọng hướng dẫn học sinh tự học, thảo luận, tự nghiên cứu và tạo không gian thuận lợi khích lệ học sinh tự học. Nâng cao chất lượng đội ngũ, kết hợp tự bồi dưỡng và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường giao lưu học tập. Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, khích lệ kịp thời kết quả đạt được”, thầy Hà Huy Phương cho hay.
Những địa phương thành tích học sinh giỏi cao cũng tương tự Bắc Ninh, luôn có giải pháp dài hơi, bài bản, đồng bộ trong tuyển chọn, bồi dưỡng. Các giải pháp được nhiều địa phương thực hiện là phát hiện sớm học sinh có tố chất; chọn cử giáo viên có năng lực tốt tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi; xây dựng chương trình bồi dưỡng chi tiết, chất lượng; huy động nguồn lực tổ chức bồi dưỡng cho đội tuyển; quan tâm cơ chế chính sách cho học sinh, giáo viên bồi dưỡng học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia… Thậm chí, có đơn vị xây dựng hẳn một đề án nhằm nâng cao chất lượng đào tạo học sinh giỏi, như Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM.
Cụ thể, Đề án nâng cao chất lượng đào tạo học sinh giỏi, Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TPHCM giai đoạn 2023 - 2027 đặt mục tiêu cải tiến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi theo hướng tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, thù lao giảng dạy, tài liệu và quy chế để giáo viên, học sinh an tâm tham gia các kỳ thi học sinh giỏi.
Cùng đó, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên kế thừa; thu hút nhân tài đến công tác, giảng dạy các chuyên đề nâng cao tại trường; tăng cường hợp tác với chuyên gia ở địa phương khác hoặc các trường ĐH để giao lưu, học hỏi nhằm tích lũy thêm kiến thức; quan tâm kịp thời và khen thưởng xứng đáng cho giáo viên, học sinh tham gia thi học sinh giỏi và đoạt giải cao.
Mỗi nhóm mục tiêu cụ thể sẽ có nội dung, giải pháp thực hiện, chỉ tiêu, chỉ số để đo đếm và đánh giá mức độ hoàn thành. Hiệu quả của đề án cũng sẽ được đánh giá bằng kết quả cụ thể của công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi qua kết quả các cuộc thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật các cấp.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ Olympic quốc tế và khu vực đã góp phần quan trọng làm nên kết quả chung của toàn ngành. Trong các năm qua, công tác thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic quốc tế được triển khai, tổ chức đúng quy chế, kế hoạch, tác động tích cực thúc đẩy quá trình dạy và học trong các nhà trường, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng trẻ kích thích ý chí vươn lên đạt thành tích cao trong học tập rèn luyện và giáo dục nhân cách học sinh, tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện Đề án trường THPT chuyên, hướng tới thực hiện mục tiêu giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.