Tuy nhiên, ông Lê Quang Hòa bày tỏ mong muốn giữ nguyên tên “Cuộc thi NCKH, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT”, không nên chuyển thành “Hội thi…”. Lý do, mặc dù để “Hội thi” nhẹ nhàng, ít áp lực hơn; nhưng có thể dẫn đến địa phương, nhà trường ít chú trọng, quan tâm đầu tư. Chưa kể, một số sở GD&ĐT đã xây dựng đề án kinh phí trong đó có nội dung này trình UBND tỉnh. Nếu đổi tên thì những văn bản có liên quan phải thay đổi.
Cùng đưa ra góp ý, thầy Nguyễn Văn Ngon - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cho rằng, cần quy định cụ thể vai trò trường ĐH, cơ quan nghiên cứu để các trường có thể tiếp tục phối hợp hỗ trợ học sinh. Mặt khác, quy định cụ thể kinh phí chi cho hoạt động NCKH trong trường THPT để có cơ sở chi thuận lợi hơn.
Theo thầy Nguyễn Văn Ngon, triển khai NCKH các trường phổ thông gặp khó khăn vì cơ sở vật chất, thiết bị không đáp ứng được cho học sinh nghiên cứu; thầy trò phải đến các cơ quan nghiên cứu, trường ĐH để thực hiện dự án. Kinh phí cho hoạt động NCKH của học sinh hạn chế, dẫn đến một số dự án có tính sáng tạo cao nhưng không thể thực hiện.
Có chế độ cho giáo viên làm công tác bảo trợ học sinh chưa có quy định thống nhất, phải trình sở GD&ĐT phê duyệt hằng năm. Riêng giáo viên làm công tác hướng dẫn học sinh chưa được hưởng chế độ như giáo viên bảo trợ. Việc bù số tiết bảo trợ học sinh NCKH vào giờ dạy trên lớp khi tổ còn thiếu giờ chuẩn cũng làm giảm động lực cho nhà giáo.
“Trước khó khăn này, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tổ chức tập huấn, tư vấn, định hướng cho học sinh tham gia hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật sớm để các em có thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án. Trường thành lập Ban tư vấn nhằm hỗ trợ học sinh trong quá trình tham gia hoạt động nghiên cứu, thi; phối hợp với trường ĐH, cơ quan nghiên cứu hỗ trợ học sinh thực nghiệm, thí nghiệm.
Cùng đó, phối hợp với cha mẹ học sinh đầu tư kinh phí cho các em thực hiện dự án; nhà trường vận động kinh phí khen thưởng, động viên kịp thời học sinh, giáo viên tham gia bảo trợ, hướng dẫn nếu dự án đạt giải các cấp. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo STEM, dạy học chủ đề STEM và tổ chức trải nghiệm thực tế, tham quan phòng Lab tại trường ĐH cũng được triển khai để học sinh hình thành kỹ năng, ý tưởng nghiên cứu”, thầy Nguyễn Văn Ngon chia sẻ.
Từ thực tế Trường THPT Trần Quang Khải, cô Bùi Thị Thu Hằng nhìn nhận, công tác NCKH còn khó khăn do thiếu cả về cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí hạn hẹp. Học sinh vẫn bỡ ngỡ, nhận thức hạn chế, lúng túng trong cách làm. Một số thầy cô chưa có kinh nghiệm, ngại khó, sợ thêm việc nên thiếu nhiệt tình.
Nhiều phương pháp nghiên cứu đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự tỉ mỉ và cần ứng dụng kiến thức khoa học công nghệ nên khó cho học sinh trong quá trình nghiên cứu. Từ đó, cô Bùi Thị Thu Hằng cho rằng, cần có chính sách phù hợp để hoạt động NCKH trong trường phổ thông trở nên hiệu quả, thực chất. Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên để ươm mầm đam mê đối với học sinh có tình yêu khoa học.
Cuộc thi NCKH, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT có vai trò quan trọng giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học, khả năng giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, cơ hội để học sinh tập nghiên cứu, làm khoa học. Dù có thể chỉ là sáng tạo đơn giản, nhưng các em có tiền đề cho định hướng, ý tưởng khởi nghiệp từ công trình nghiên cứu cũng như lựa chọn học lên cao đẳng, đại học. Điều này quan trọng, đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018. - Ông Lê Quang Hòa (chuyên viên phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Phú Thọ)