Khu đất dự án Công viên Kim Quy được khởi công từ năm 2016, đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống (Ảnh: Mạnh Quân).
Người dân địa phương kỳ vọng sự kiện thành lập quận Đông Anh sẽ là tín hiệu tích cực để thúc đẩy các dự án bất động sản chậm triển khai tại địa phương (Ảnh: Mạnh Quân).
Bên cạnh nông nghiệp và dịch vụ, Đông Anh vẫn đang duy trì thế mạnh phát triển công nghiệp với quỹ đất dồi dào và đường sá thuận tiện cho hoạt động vận tải. Trong ảnh là một góc của Khu công nghiệp Thăng Long thuộc xã Võng La và xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Ảnh: Ngọc Tân).
Khu công nghiệp Thăng Long thành lập năm 1997, là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất tại Hà Nội với diện tích gần 300ha. Đây là nơi quy tụ các doanh nghiệp FDI lớn như Canon, Panasonic, Yamaha, Sumitomo... Khu công nghiệp này tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách mỗi năm khoảng 90 triệu USD (Ảnh: Ngọc Tân).
Tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển đi qua địa bàn huyện Đông Anh với điểm dừng tại ga Kim Nỗ. Tuyến đường sắt này chủ yếu vận tải hàng hóa, đi men theo địa bàn Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh và kết nối đến Lào Cai (Ảnh: Ngọc Tân).
Trước viễn cảnh một huyện nông nghiệp như Đông Anh trở thành quận, câu hỏi đặt ra là các chính sách mới sẽ tác động đến đời sống người dân như thế nào; hạ tầng tiện ích xã hội và bộ mặt đô thị sẽ thay đổi ra sao... Bên cạnh đó, địa phương sẽ cần có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường (Ảnh: Mạnh Quân).
Chiều 4/7, với 93% số đại biểu tán thành, HĐND Hà Nội thông qua đề án thành lập quận Đông Anh trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện.
Sau khi thành lập, quận có diện tích là 185,68km2, quy mô dân số hơn 400.000 người. 24 xã, thị trấn của huyện sẽ trở thành các phường.
Ở bước tiếp theo, UBND Hà Nội sẽ hoàn thiện quy trình, thủ tục để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập quận Đông Anh.