Đồng bằng sông Cửu Long vượt khó xây trường chuẩn quốc gia

Quốc Ngữ | 24/10/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù gặp khó về quỹ đất, nguồn vốn nhưng các địa phương ở ĐBSCL đã tập trung nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng và triển khai chương trình mới.

Dành nguồn lực xây trường chuẩn

Xây dựng trường chuẩn quốc gia đang là mục tiêu quan trọng được các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện. Tuy được quan tâm đầu tư nhưng với những khó khăn đặc thù nên việc xây trường chuẩn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, ở khu vực đô thị, khó nhất chính là quỹ đất. Còn ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khó về nguồn vốn đầu tư.

Để gỡ khó, nhiều địa phương triển khai xây trường chuẩn quốc gia theo lộ trình và tận dụng nguồn vốn trung, dài hạn để thực hiện. Như TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn đến năm 2025. Theo kế hoạch, đến năm 2025 thành phố có 379 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,98%. Giải pháp thực hiện được tập trung là tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở đã tham mưu UBND thành phố công nhận 15 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường được công nhận lên 335 trong tổng số 446 trường trên địa bàn, đạt tỷ lệ 75,11%.

Sau thời gian tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay tỉnh Tiền Giang có hơn 62% trường học đạt chuẩn. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, số trường đạt chuẩn là 320/516 trường, đạt tỷ lệ 62,02%. Trong đó, mầm non có 100 trường (53,19%), tiểu học 134 trường (80,24%), trung học cơ sở 65 trường (52,85%), trung học phổ thông 21 trường (55,26%).

Với tầm nhìn lâu dài, tỉnh Tiền Giang chủ động xây dựng kế hoạch và có lộ trình cụ thể từng năm để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các huyện trong việc triển khai đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia; xem chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn là một trong những mục tiêu hàng đầu đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, ngành Giáo dục đặt ra chỉ tiêu xây dựng 70 trường mầm non; 26 trường tiểu học; 39 trường THCS và 14 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2025, toàn tỉnh Tiền Giang có 70% số trường mầm non, THCS, THPT và 80% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở địa phương cũng có không ít khó khăn. Trong đó, tỷ lệ trường chuẩn ở bậc THCS và THPT của tỉnh còn khá thấp, cụ thể bậc THCS chỉ đạt 49,59%; bậc THPT chỉ đạt 50%.

Nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu của các địa phương, đơn vị. Nguồn kinh phí phục vụ cho việc đầu tư xây dựng thay thế số phòng học bán kiên cố ngày càng xuống cấp và bổ sung phòng học mới để tiếp nhận học sinh gia tăng chưa được đáp ứng thỏa đáng.

Trong công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, tỉnh Tiền Giang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tập trung, chuẩn hóa và tránh dàn trải. Tỉnh đầu tư trang thiết bị có trọng điểm để bảo đảm cơ sở vật chất được hoàn thiện một cách đồng bộ, có kế hoạch chọn các trường điểm, các trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, có thành tích trong phong trào thi đua dạy và học để quy hoạch xây dựng trường chuẩn…

Đồng bằng sông Cửu Long vượt khó xây trường chuẩn quốc gia ảnh 1

Sau thời gian tập trung xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến nay tỉnh Tiền Giang có hơn 62% trường học đạt chuẩn.

Quan tâm giữ chuẩn, nâng chuẩn

Tỉnh Hậu Giang dù còn nhiều khó khăn nhưng xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia lại là điểm sáng. Theo chỉ tiêu năm 2022, toàn tỉnh có 82% trường học đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, khi bước vào đầu năm học 2022 - 2023, tỷ lệ này là 82,19%. Trong đó, cấp học mầm non, mẫu giáo có 75/83 trường đạt chuẩn; cấp tiểu học có 118/151 trường, THCS có 55/65 trường; THPT có 15/23 trường.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang, xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn này sẽ khó khăn, cần sự kiên quyết, hỗ trợ nhiều hơn trước. Hiện nay, các trường đạt chuẩn mới và tiếp tục được công nhận lại cần nguồn kinh phí rất lớn, quỹ đất nhiều hơn. Lãnh đạo tỉnh và ngành cũng xác định, trường chuẩn quốc gia phải thực chất, phải điển hình, để khẳng định thương hiệu giáo dục của tỉnh nhà với các tỉnh bạn và khu vực...

Tính từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, tỉnh Hậu Giang tăng 255 trường chuẩn quốc gia. Trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 toàn tỉnh có 141/339 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 41,6% (tăng 133 trường so với năm 2004) và chỉ có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sau thời gian phấn đấu, đến nay con số này đã được tăng lên gần gấp đôi với 263/320 trường học từ mầm non đến THPT, đạt tỷ lệ 82,19%, tăng 255 trường so với khi mới chia tách tỉnh.

Không chỉ xây dựng trường chuẩn, Hậu Giang còn dành nguồn lực đầu tư cho trường học giữ chuẩn và nâng chuẩn. Năm học trước, toàn tỉnh chỉ duy nhất cấp tiểu học có 7 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đến năm học 2022 - 2023, cấp THCS có thêm 3 trường đạt mức độ 2: Trường THCS Thuận Hưng và Trường THCS Trương Tấn Lập (huyện Long Mỹ) và Trường THCS Tân Hòa (huyện Châu Thành A), nâng số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 toàn tỉnh lên 10 trường.

Theo Sở GD&ĐT Hậu Giang, cái khó trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là việc bảo đảm đầy đủ phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, sân chơi, bãi tập… Khó khăn này không chỉ là trở ngại các trường trung tâm mà cũng là trở ngại với các trường vùng nông thôn, vùng điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Với quyết tâm cao, tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ 85% trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bằng sông Cửu Long vượt khó xây trường chuẩn quốc gia