Ông Huân cho hay với mức lương hưu hiện tại không đủ nuôi sống bản thân ông, chưa kể ông còn phụng dưỡng cha mẹ già gần 90 tuổi, nên khá hụt hẫng. "Bản thân tôi luôn tin tưởng chính sách BHXH và tâm niệm rằng đóng nhiều, đóng lâu thì mức hưởng sẽ được tính toán tương xứng. Nhưng không ngờ đóng càng dài lại càng thiệt thòi"- ông Huân bộc bạch.
Theo tính toán của ông Huân, nếu dừng đóng BHXH vào thời điểm nghỉ việc chờ hưu năm 2008, khi đủ tuổi lương hưu của ông sẽ được tính trên mức đóng bình quân 5 năm cuối (hệ số lương đóng BHXH từ 3,1-4,32) chắc chắn cao hơn mức hưởng hiện tại.
Chưa kể với sự thay đổi của chính sách về tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số năm đóng BHXH để hưởng mức tối đa từ 30 năm lên 35 năm, ông bị thiệt thòi khi phải kéo dài độ tuổi lao động và tốn thêm 5 năm đóng BHXH. Kèm theo đó khoản trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của ông cũng bị giảm đi từ 12,5 năm đóng dư, chỉ còn 7,5 năm. Ngoài ra, do cố gắng duy trì đóng BHXH cho đến khi hết tuổi lao động nên ông không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp sau nhiều năm đóng góp…
Ông Huân cho rằng các chính sách sẽ luôn phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đối với cá nhân ông, sự thay đổi ấy mang lại nhiều thiệt thòi. Do vậy, ông Huân mong mỏi khi xây dựng chính sách cần tính toán kỹ, cân nhắc đến quyền lợi của người lao động, sao cho người lao động thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH lâu dài, từ đó ở lại hệ thống an sinh chứ không phải chọn rút BHXH một lần.