Kiến nghị đưa an toàn giao thông vào dạy học ở cấp THPT và có bài thi đánh giá bắt buộc với học sinh nhận nhiều luồng ý kiến...
Tại hội thảo về an toàn giao thông do Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức gần đây, một đại biểu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã kiến nghị đưa an toàn giao thông vào dạy học ở cấp THPT và có bài thi đánh giá bắt buộc với học sinh.
Xung quanh kiến nghị này diễn ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một số cho rằng chương trình học hiện nay nặng, nếu vấn đề nào cũng thấy quan trọng, đưa vào bắt học sinh học và thi, sẽ tạo áp lực lớn cho nhà trường và người học. Phía ngược lại cho rằng nên đưa vào cho học sinh học và thi, xem đó như bài thi lý thuyết, sau này chỉ cần xét điểm thi ở trường thì cho thi thực hành, tiết kiệm được thời gian tiền bạc.
Mong muốn tăng cường giáo dục an toàn giao thông trong chương trình chính khóa từng được những người có trách nhiệm đề ra trước đó. Năm 2021, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang kiến nghị đưa giáo dục an toàn giao thông vào chương trình phổ thông.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đưa vào quy định “Trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó”. Giữa năm 2024, trong đợt góp ý dự thảo luật này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề xuất đưa nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào chương trình chính khóa thay vì lồng ghép.
Rõ ràng, tăng cường giáo dục an toàn giao thông cho học sinh để hình thành ý thức tham gia giao thông an toàn, đã và đang được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả và bền vững nhằm hạn chế tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông/tai nạn giao thông đang diễn ra khá nóng hiện nay.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã quan tâm đưa nội dung an toàn giao thông vào chương trình giáo dục phổ thông các cấp học. Trong Chương trình GDPT 2006, giáo dục an toàn giao thông được đưa vào môn Giáo dục công dân lớp 6, lớp 8, lớp 12.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng tài liệu tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào các môn học và hoạt động giáo dục, tập huấn giáo viên, hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức dạy học tích hợp trong các môn học như: Giáo dục công dân, Địa lý, Ngữ văn, Lịch sử, Công nghệ...
Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung giáo dục an toàn giao thông được đưa vào môn Giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm. Các trường học đã chủ động tăng cường công tác giáo dục pháp luật ngoại khóa về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, đảm bảo tối thiểu 5 tiết/học kỳ đối với học sinh lớp đầu cấp và 3 tiết/học kỳ đối với các lớp khác.
Nhiều sáng kiến, hoạt động giáo dục an toàn giao thông được triển khai sôi nổi, hiệu quả trong học đường như: “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. “Giao thông học đường”…
Tuy đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng đến nay, công tác giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường còn một số hạn chế: Thời lượng giảng dạy nội dung này trong chương trình chính khóa hạn hẹp; phương pháp giảng dạy cứng nhắc chưa tạo ra hứng thú cho người học; giáo viên dạy an toàn giao thông đều kiêm nhiệm; ý thức tự giác của học sinh, sinh viên về an toàn giao thông chưa cao… Thực tế này đòi hỏi giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường cần tăng cường hơn nữa để người học thấm và có ý thức cao hơn.
Tăng thời lượng chương trình giáo dục, thực hiện bài đánh giá bắt buộc với học sinh hay đổi mới đồng bộ hơn trong phương pháp giảng dạy…, với những đề xuất này, ngành Giáo dục sẽ nghiên cứu nghiêm túc để tìm giải pháp tốt nhất trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cần thấy rằng, để công tác giáo dục an toàn giao thông triển khai hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục, cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, đặc biệt sự chung sức từ gia đình. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có thể bảo đảm chất lượng giáo dục an toàn giao thông, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật/tai nạn giao thông.