Đồng cam cộng khổ nâng chất lượng giáo dục

Hồ Lài | 04/12/2022, 11:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” và “bộ môn giúp bộ môn” giúp đỡ về hiện vật, trang thiết bị cho trường học vùng khó.

Chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” và “bộ môn giúp bộ môn” do Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An phát động được đông đảo đơn vị hưởng ứng. Chương trình này đã tạo phong trào giúp đỡ về hiện vật, trang thiết bị cho trường học vùng khó cũng như chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục sâu rộng giữa các nhà trường, phòng GD&ĐT, hướng đến mục tiêu phát triển giáo dục đồng bộ, toàn diện.

Nghĩa tình khi khó

“Chào bạn! Mình tên là Hà Linh – học sinh lớp 3D Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh). Mình chúc bạn vượt qua khó khăn để học tốt”. Đó là lời nhắn được cô bé Hà Linh ghi trong thiệp hình trái tim, kẹp vào sách vở gửi lên cho các bạn học sinh huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Cũng muốn gửi gắm tình cảm đến bạn bè gặp khó khăn, em Ngọc Diệp, lớp 3B Trường Tiểu học Hưng Bình (TP Vinh) đã nắn nót viết một bức thư tay. Trong thư, Diệp viết: “Trường mình đang phát động chương trình giúp đỡ đồng bào bị bão lụt. Chúng mình tích cực đóng góp quần áo, sách vở và cả đồ chơi nữa để gửi đến các bạn… Mình rất mong các bạn sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục cắp sách đến trường”.

Đầu tháng 10 vừa qua, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) trải qua đợt lũ ống, lũ quét lịch sử. Hàng trăm nhà dân bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn hoặc hư hỏng, thiệt hại tài sản, trong đó có nhiều gia đình học sinh, giáo viên chịu ảnh hưởng nặng nề. Thành phố Vinh đã huy động nguồn lực trong toàn ngành hỗ trợ trường học, đồng nghiệp thiệt hại do lũ tổng số tiền 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có nhiều hiện vật như quần áo mới, đồ chơi và đặc biệt là sách giáo khoa cho học sinh.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh - cho biết: “Điều cảm động nhất là học sinh trên địa bàn thành phố, khi nghe bố mẹ, thầy cô thông tin, nói chuyện về các bạn vùng cao bị thiên tai, cuốn trôi, hư hỏng sách vở đã tự giác chuẩn bị quà. Đó là đồ chơi, vở mới và các bộ sách giáo khoa cũ nhưng vẫn được gìn giữ đầy đủ, sạch đẹp được các em gửi cùng những lời nhắn gửi, động viên bạn vượt qua khó khăn. Những món quà vật chất lẫn tinh thần từ giáo viên, học sinh của thành phố sẽ giúp trường học vùng cao có đủ điều kiện cơ bản để ổn định dạy học sau lũ”.

Thời điểm lũ quét đi qua, Sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Nghệ An đã lập tức hỗ trợ ban đầu cho giáo viên trên địa bàn huyện có nhà bị lũ cuốn trôi, hư hỏng; trao tặng sách vở, quà động viên học sinh Trường THPT Kỳ Sơn và 5 trường mầm non, tiểu học, THCS vùng lũ. Tổng trị giá cả tiền và hiện vật là 330 triệu đồng. Đồng thời phát động trong toàn ngành chia sẻ với giáo viên và học sinh vùng lũ. Lần lượt nhiều phòng GD&ĐT, trường THPT kể cả khu vực vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương… đã huy động nhu yếu phẩm, quần áo, sách vở, tiền mặt gửi cho vùng lũ.

Đồng cam cộng khổ nâng chất lượng giáo dục  ảnh 1

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tặng tivi, thiết bị dạy học cho Trường THPT Kỳ Sơn. Nguồn: Phòng GD&ĐT TP Vinh

Hỗ trợ chuyên môn

Năm học vừa qua, lần đầu tiên Trường THPT Kỳ Sơn có sáng kiến được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Đó là đề tài “Giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương thông qua hoạt động ngoại khóa” do thầy Lê Văn Tảo và cô Nguyễn Thị Tý đồng tác giả.

Cô Tý là giáo viên bộ môn Giáo dục công dân với gần 15 năm kinh nghiệm, có nhiều sáng kiến cấp cơ sở. Tuy nhiên, khi gửi cấp tỉnh, cô đã trao đổi và nhờ đồng nghiệp là cô Đoàn Thị Thủy Chung (giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng – TP Vinh) góp ý. Sau quá trình thảo luận, cô Tý đã chuyển từ hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở môn Giáo dục công dân sang giáo dục kỹ năng trong phong trào nhà trường. “Khi chuyển phạm vi, đề tài của tôi mang tính phổ quát hơn, hướng tới nhiều học sinh và có thể ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh đó còn đề cao vai trò của người quản lý, tổ chức, định hướng”, cô Nguyễn Thị Tý cho hay.

Từ thực tế triển khai có hiệu quả tại nhà trường, đề tài của cô Tý và thầy Tảo được Hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm của tỉnh công nhận. Đây không chỉ là kết quả của cá nhân, mà còn là sự hỗ trợ, giao lưu kinh nghiệm của tập thể Trường THPT Kỳ Sơn với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Cô Nguyễn Thị Tý cũng chia sẻ, nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn từ đồng nghiệp có kinh nghiệm, đang công tác tại những trường điểm của tỉnh có ý nghĩa rất lớn.

Thực tế, đặc điểm học sinh dân tộc ở miền núi cao khác với học sinh thành phố. Môi trường sống, điều kiện học tập cũng khác biệt. Nhưng cái chung là hướng đến chuẩn kiến thức kỹ năng cho trò. “Sự giúp đỡ quan trọng mà tôi và giáo viên ở Trường THPT Kỳ Sơn nhận được chính là cách triển khai ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học. Trong dạy học là việc tổ chức, xây dựng tiết học, lựa chọn và triển khai vấn đề đến học sinh sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, đồng nghiệp cũng thường xuyên động viên để tôi tự tin hơn trong quá trình công tác”, cô Tý nói.

Đồng cam cộng khổ nâng chất lượng giáo dục  ảnh 2

Chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” nhằm hướng đến mục tiêu kéo gần khoảng cách giáo dục vùng khó và vùng thuận lợi. Nguồn: Phòng GD&ĐT TP Vinh

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng là đơn vị kết nghĩa, nhận hỗ trợ Trường THPT Kỳ Sơn trong phong trào “phòng giúp phòng, trường giúp trường”. Bước sang năm học thứ 3, ngoài trao tặng đồ dùng, thiết bị hỗ trợ dạy học, tập thể giáo viên 2 đơn vị cũng trao đổi chuyên môn, quản trị nhà trường. Đặc biệt, trong năm học 2021 - 2022, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đã hỗ trợ rất lớn cho Trường THPT Kỳ Sơn về xây dựng các giải pháp để tổ chức dạy học ứng phó với dịch bệnh; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và triển khai linh hoạt hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến.

Thầy Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn - cho hay, là trường THPT duy nhất của huyện vùng cao biên giới, học sinh của trường còn nhiều vất vả. Phần lớn học trò đến từ bản xa xôi, có em nhà cách trường 60 - 70km. Nhiều học sinh thiếu sách giáo khoa khi bước vào năm học mới. Trong hoàn cảnh đó, sự giúp đỡ từ chương trình “trường giúp trường” không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần, mà còn kịp thời giúp đỡ học sinh nghèo và nhà trường nâng cao chất lượng dạy - học.

Năm học 2022 - 2023, trường đón nhận niềm vui lớn khi được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hoàn toàn mới, bao gồm hệ thống phòng học, thư viện, phòng chức năng, nhà ở nội trú học sinh, giáo viên… “Cơ sở vật chất hiện đại trao cơ hội cho học sinh, giáo viên của nhà trường trong dạy học và triển khai Chương trình GDPT 2018 thuận lợi. Nhưng để vận hành và khai thác hết hiệu năng thì cần hỗ trợ, trao đổi chia sẻ từ các đơn vị trong ngành. Một mặt sử dụng tốt thiết bị, cơ sở vật chất, mặt khác cần tổ chức quản lý, điều hành cũng như xây dựng tầm nhìn, chương trình nhà trường phù hợp với điều kiện mới”, thầy Lê Văn Tảo chia sẻ.

Đồng cam cộng khổ nâng chất lượng giáo dục  ảnh 3

Lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GD&ĐT Nghệ An thăm học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Mường Lống 1, huyện Kỳ Sơn. Nguồn: Phòng GD&ĐT TP Vinh

Hướng đến phát triển đồng bộ

Chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất, tinh thần tương thân, tương ái của cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn ngành Giáo dục Nghệ An, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục. Sau thời gian triển khai có hiệu quả, chương trình đã mở rộng từ “phòng giúp phòng, trường giúp trường” sang “bộ môn giúp bộ môn”. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng dạy và học của các nhà trường, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng miền.

Trên toàn tỉnh, ngành Giáo dục đã phân công các đơn vị vùng đồng bằng, thuận lợi hơn giúp đỡ đơn vị vùng cao, khó khăn. Trong đó, trọng tâm là trao đổi kinh nghiệm dạy học, thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo tinh thần Chương trình GDPT 2018.

Thực hiện nội dung trên, nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Phòng GD&ĐT thành phố Vinh sau khi xây dựng kế hoạch đã phân công các trường trên địa bàn thành phố kết nghĩa với đơn vị khó khăn hơn trong tỉnh. Các trường đăng ký có trách nhiệm chủ động liên lạc, thống nhất kế hoạch và hoạt động cụ thể để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đơn vị mình kết nghĩa.

Đồng cam cộng khổ nâng chất lượng giáo dục  ảnh 4

Phòng GD&ĐT TP Vinh hỗ trợ nhiều thiết bị, đồ dùng cho trường học trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương. Nguồn: Phòng GD&ĐT TP Vinh

Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo, trong 2 năm đầu nhận hỗ trợ huyện Tương Dương, Phòng GD&ĐT TP Vinh đã huy động nhiều nguồn lực trao tặng các trường học món quà ý nghĩa như: Máy phát điện, máy lọc nước, tivi, bồn nước… phục vụ hoạt động chung; trao bàn ghế học tập, bàn ghế ăn inox, giường bạt cho trẻ, tủ cơm điện, tủ đông để tổ chức bán trú cho học sinh các cấp.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Tương Dương đề nghị được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Phòng GD&ĐT TP Vinh đã cử giáo viên, chuyên viên có kinh nghiệm cùng hướng dẫn, trao đổi. Đặc biệt, trong các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 đơn vị cũng thường xuyên góp ý để đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tối đa năng lực người học.

“Sau khi giúp đỡ huyện Tương Dương, chúng tôi chuyển sang huyện Quế Phong. Phòng Giáo dục hai đơn vị đang trao đổi nội dung cụ thể, nhưng trước mắt sẽ hỗ trợ thư viện thân thiện và triển khai dạy học tiếng Anh chương trình mới”, bà Hoàng Thị Phương Thảo cho biết.

Trên toàn tỉnh Nghệ An, nhờ thực hiện mô hình “bộ môn giúp bộ môn”, các đơn vị đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên môn cấp cụm, tỉnh. Qua đó, 2 bên trao đổi về phương pháp, cách thức dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và khai thác tài liệu dạy học Chương trình GDPT mới; tổ chức ôn thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực. Trong đó, các tổ bộ môn cấp THPT như Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử… trao đổi chuyên đề thường xuyên, xây dựng ngân hàng đề thi thử tốt nghiệp THPT.

Với ý nghĩa thiết thực, chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường, bộ môn giúp bộ môn” của Nghệ An cũng được nhiều địa phương trong cả nước nhân rộng. Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An - khẳng định: “Thành công của chương trình là nhận được sự đồng thuận hưởng ứng của cán bộ, nhà giáo và người lao động trong toàn ngành, từ đó lan tỏa đến học sinh, phụ huynh và nhận được sự quan tâm của toàn thể cộng đồng xã hội”.

“Sự giúp đỡ của ngành và các đơn vị, nhà hảo tâm đã kịp thời hỗ trợ học sinh, giáo viên, trường học bị thiệt hại do lũ trên địa bàn. Qua đó, thầy trò Kỳ Sơn sớm ổn định dạy học cũng như các hoạt động giáo dục khác. Mới đây nhất, chúng tôi có 2 giáo viên THCS dự thi và được công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Đó là cô Vi Thị Ỏn – giáo viên Trường PTDT Bán trú THCS Hữu Kiệm và cô Phan Thị Hoàn – giáo viên Trường PTDT Bán trú THCS Nậm Cắn. Cả hai cô dù nhà cửa bị lũ cuốn trôi, nhiều tài sản hư hỏng nhưng đã vượt qua khó khăn để dự thi và đạt kết quả tốt”. - Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng cam cộng khổ nâng chất lượng giáo dục