Những đứa trẻ được học những bài học đầu đời về ứng phó với thảm họa, thiên tai.
Trường tiểu học này cũng hợp tác với một trường đại học và đo thời gian thực tế cần thiết để sơ tán bằng GPS. Dữ liệu thu thập được sẽ được sử dụng cho việc huấn luyện sơ tán trong năm tới, chẳng hạn như để cân nhắc về tuyến đường tốt nhất nên đi hoặc việc nên chọn áo mưa hay ô trong trường hợp trời mưa.
Trường tiểu học Tsurukawa Daini ở Machida, phía Nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tổ chức các cuộc diễn tập về phòng chống thiên tai hàng năm, nơi học sinh được dạy các hành động cần thực hiện để bảo vệ mạng sống của mình khi có thảm họa.
Các em được dạy về các điểm sơ tán chính, những điều cần chú ý cẩn thận khi mưa lớn và các địa điểm gây nguy hiểm như sông và vách đá.
Học sinh sẽ có nhận thức rõ ràng hơn về thảm họa. Giáo viên tại trường cho biết học sinh đã có thể nhận thức và hành động khi bão đến gần.
Nhà trường cũng tổ chức đào tạo cả người giám hộ đón con, mô phỏng tình huống xảy ra một trận động đất lớn.
Trong khóa đào tạo này, trường tiểu học sẽ chăm sóc học sinh cho đến khi cha mẹ hoặc người giám hộ đến đón vì phương tiện giao thông công cộng sẽ ngừng hoạt động sau trận động đất nên các em sẽ không thể tự về nhà. Khóa đào tạo này cũng giúp phát triển mạng lưới liên lạc giữa nhà trường và người giám hộ.
Ở Nhật Bản, học sinh thường đi về nhà theo nhóm khi có bão đến gần hoặc trong những tình huống tương tự. Các trường học có thể sử dụng gửi email hàng loạt để thông báo cho các đội tuần tra an toàn địa phương cũng như người giám hộ, cho phép giáo viên dẫn học sinh đến địa điểm cần thiết, trong khi người dân địa phương trông chừng để đảm bảo các em luôn được an toàn.
Có một câu nói nổi tiếng về phòng chống thiên tai mà mọi đứa trẻ ở Nhật Bản đều biết: "không xô đẩy, không chạy, không nói và không quay lại". Ngoài cụm từ này, trường này còn đưa vào hướng dẫn "không được đến gần" nghĩa là học sinh nên tránh xa những khu vực nguy hiểm.
Nhật Bản có nhiều cơ sở học tập trải nghiệm phòng chống thiên tai, nơi cả người lớn và trẻ em có thể tìm hiểu về thảm họa và trải nghiệm các thảm họa mô phỏng.
"Trung tâm Honjo" trực thuộc Sở Cứu hỏa Tokyo cung cấp một chuyến tham quan trải nghiệm phổ biến mà các gia đình có thể cùng nhau tham gia.
Phụ huynh và trẻ tham gia trải nghiệm chữa cháy bằng cách sử dụng bình chữa cháy để phun nước vào nguồn lửa hiển thị trên màn hình. Một vài em bé cho biết "bình chữa cháy ngoài đời thực rất nặng".
Một phụ huynh bày tỏ cảm xúc: "Thảm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đây là cơ hội để chúng tôi cùng nhau nói chuyện với nhau như một gia đình về việc xem xét lại việc chuẩn bị những món đồ phòng bị cần thiết ở nhà".
Nguồn: The Culturetrip, Web Japan