Theo UBND TP Biên Hòa, hai khu đất thành phố đề xuất đều phù hợp quy hoạch nhưng còn phải thực hiện thêm nhiều thủ tục. Cụ thể, khu đất tại phường Phước Tân chưa lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trình UBND tỉnh phê duyệt, chưa lập các thủ tục trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án. Sau đó, dự án còn phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất khác.
Còn dự án tại phường Tam Phước, Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đang quản lý và sử dụng đất theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Thành phố đã đề nghị công ty tự nguyện trả lại đất nhưng chưa đồng thuận và yêu cầu thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với các khu đất tại huyện Long Thành, một khu có liên quan đến lâm nghiệp phải trình HĐND tỉnh thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác. Khu đất còn lại làm lễ khởi công nhưng chưa hoàn thành việc áp giá, công khai phương án bồi thường, trình thẩm định và phê duyệt theo quy định.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC tỉnh cho rằng, mặt bằng của dự án thành phần 1, đặc biệt là đoạn qua TP Biên Hòa rất đáng lo ngại vì quy trình làm hồ sơ dự án TĐC phải mất cả năm.
Đối với dự án tại phường Phước Tân vừa có đất ở của dân, vừa có đất lúa. Đối với đất ở, phải bố trí TĐC cho hơn 100 hộ dân mới có đất làm hạ tầng TĐC cho người dân bị thu hồi đất thực hiện dự án đường cao tốc. Đối với đất lúa, phải đưa ra khỏi quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo HĐND tỉnh, để triển khai các dự án TĐC nói trên, UBND tỉnh cần rà soát trình tự các thủ tục, hồ sơ pháp lý từng dự án và hoàn thiện. Đối với các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các địa phương liên quan chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thành các thủ tục, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng Khu TĐC, đảm bảo kết nối đồng bộ giao thông và các hạ tầng xã hội.