Quan điểm của Bộ GD&ĐT là ủng hộ chủ trương, chính sách đào tạo theo đặt hàng. Trên tinh thần ấy, thời gian qua, Bộ đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đào tạo sư phạm, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới. Mới đây nhất, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã ký công văn đề nghị các địa phương rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo năm 2022 và đề xuất nhu cầu từ năm 2023 đến năm 2025.
Cùng với đó, thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm; xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào; triển khai các Dự án ETEP, Đề án 69, Đề án 89… nhằm nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng đào tạo nói chung.
Tuy nhiên, giải quyết bài toán thiếu giáo viên không phải là câu chuyện riêng của ngành Giáo dục, mà cần sự vào cuộc của các địa phương, chủ động của cơ sở đào tạo và sự phối hợp nhịp nhàng của cơ quan hữu quan. Trước hết, lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo sở GD&ĐT có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022 – 2023, mà cần tính toán đầy đủ các phần việc cho những năm tiếp theo.
Với cơ sở đào tạo, cần tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương, nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách phù hợp, bảo đảm về số lượng và chất lượng cũng như cơ cấu từng môn học, cấp học.