“Trước đây, tôi sở hữu một chiếc xe thể thao. Rồi đột nhiên, tôi nhận ra mình thậm chí không còn nổi 3.000 nhân dân tệ trong túi. Tôi thực sự không khuyến khích những người trẻ xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động không có nhiều tiền tiết kiệm đi du học”, Liu cho biết.
Sau biến cố, Liu làm việc cả ngày ở cửa hàng tiện lợi. Ban đêm, anh tiếp tục làm việc ở McDonald’s. Thu nhập dù gấp đôi nhưng hầu như không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt của anh, chưa kể học phí.
Cuối cùng, Liu quyết định từ bỏ việc trở thành nha sĩ ở Mỹ và trở về Trung Quốc mà không có bằng đại học. “Khi bắt đầu tìm việc, tôi cảm thấy mình là người từ Mỹ trở về nên có thái độ khá tự hào. Tôi cần thời gian để thích nghi trước sự thay đổi này”, Liu cho biết.
Nam sinh 26 tuổi đã mất một thời gian dài tìm kiếm việc làm trước khi quyết định trở thành tài xế công nghệ vào đầu năm nay. Công việc này mang lại cho anh mức lương hàng tháng hơn 10.000 nhân dân tệ với thời gian làm việc tương đối linh hoạt.
Sinh viên Trung Quốc phải làm thêm, sống tiết kiệm để duy trì việc học tại nước ngoài. |
“Tôi thực sự không khuyến khích những người trẻ xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động không có nhiều tiền tiết kiệm nên đi học ở nước ngoài, đặc biệt là những người muốn quay lại làm việc ở Trung Quốc. Sẽ tốt hơn nếu dùng số tiền đó để mua nhà ở Trung Quốc”, Liu nhận định.
Trong bối cảnh nhiều mức thu nhập của nhiều gia đình sụt giảm, rủi ro khi đi du học cũng tăng lên. Trong khi đó, lợi ích kinh tế cũng khác xa so với trước đây. Chen - nhà nghiên cứu của trường đại học, chỉ ra rằng, tỷ lệ đầu vào - đầu ra của việc du học là không tối ưu.
Chi phí ngày càng tăng và tín chỉ học tập ở nước ngoài không thể mang lại lợi thế tương tự trên thị trường việc làm như trước đây, trong bối cảnh cạnh tranh việc làm gay gắt. Cơ hội phát triển ở Trung Quốc cũng tăng lên, khiến việc du học trở nên không cần thiết đối với nhiều người. Song, theo ông Chen, triển vọng thành công nhờ du học không phải là không có.
“Đối với những người có thể gánh vác chi phí, du học vẫn là một con đường hợp lý. Chất lượng giáo dục ở một số nước phát triển tương đối cao. Những sinh viên ra nước ngoài có xu hướng có tầm nhìn thế giới rộng mở hơn và kết quả thu được vẫn có thể rất đáng kể”, chuyên gia chia sẻ.
Một thống kê chỉ ra rằng, trong năm 2022, chỉ 7% số người tốt nghiệp Trường Đại học Thanh Hoa, cả bậc cử nhân và cao học, tiếp tục theo đuổi học vấn ở nước ngoài. Tương tự, Trường Đại học Bắc Kinh ghi nhận 14% trong gần 3.200 sinh viên sang nước ngoài học tiếp.
Con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2017. Đại dịch Covid-19 được cho là tác động trực tiếp đến sự chuyển dịch này. Song, theo một số chuyên gia, bên cạnh đó, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc khoa học và công nghệ toàn cầu, khác xa so với đầu thế kỷ.
Báo cáo vào tháng 6 của Nature Index - cơ quan nghiên cứu và xếp hạng học thuật toàn cầu, cho thấy, các tổ chức của Trung Quốc vượt Mỹ và các nước phương Tây về số lượng công bố bài báo khoa học.
Trung Quốc nằm trong số các quốc gia có học sinh đi du học nhiều nhất thế giới. Theo Viện Giáo dục quốc tế IIE, người học Trung Quốc thường chiếm 1/3 tổng số khoảng một triệu sinh viên quốc tế bậc đại học ở Mỹ. Ngoài Mỹ, điểm đến ưa thích của du học sinh Trung Quốc là Anh, Canada và Australia. Số liệu tổng hợp từ 2001 - 2018 cho thấy, khoảng 90% du học sinh Trung Quốc đi học theo diện tự túc.
Theo SCMP