Du học sinh Việt ăn Tết cùng người Hàn, đi chùa, đi biển cầu may

23/01/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vào dịp Tết Nguyên đán, Minh Ngọc được người Hàn Quốc mời đến nhà ăn Tết. Trong khi đó, Thu Hoài lại ăn Tết ở chỗ làm, sau đó cùng bạn bè đi biển ngắm Mặt Trời mọc.

Đến Hàn Quốc du học 4 năm, Minh Ngọc (sinh viên năm 4 Đại học Dongguk) đã được bạn bè người Hàn mời đến nhà ăn Tết Nguyên đán 4 lần. Xa quê, xa gia đình vào mỗi dịp Tết đến nhưng Ngọc luôn cảm thấy ấm áp vì luôn được bạn bè và những cô chú lớn tuổi ở Hàn Quốc yêu mến, coi như người thân trong gia đình.

Khác với Minh Ngọc, Thu Hoài (tốt nghiệp Đại học Sungwoon) lại trải qua nhiều lần đón Tết Nguyên đán ở nơi làm việc. Sáu năm học tập và sinh sống ở Hàn Quốc, Hoài chỉ mới về Việt Nam ăn Tết 2 lần. Bốn cái Tết còn lại, cô đều cùng bạn bè, đồng nghiệp người Hàn ăn bữa cơm năm mới và đi biển ngắm Mặt Trời mọc.

Hàn Quốc chỉ nghỉ Tết Nguyên đán 3-4 ngày

Lý do Minh Ngọc và Thu Hoài ít có cơ hội về Việt Nam ăn Tết là kỳ nghỉ ngắn, thường chỉ kéo dài trong khoảng 3-4 ngày (từ 30 tháng chạp đến mùng 2 hoặc mùng 3 tháng giêng). Minh Ngọc nói với Zing người Hàn Quốc ăn Tết Nguyên đán không lớn bằng Tết Trung thu nên ngày nghỉ không nhiều. Không khí đón Tết ở Hàn Quốc cũng không rộn ràng, náo nhiệt như ở Việt Nam.

Vào dịp Tết Nguyên đán, Minh Ngọc sẽ dành buổi sáng mùng 1 để đến nhà bạn hoặc nhà ông bà chủ cũ người Hàn Quốc để ăn bữa cơm năm mới. Sáng mùng 1, các gia đình người Hàn Quốc thường làm mâm cúng và đi tảo mộ, sau đó cả nhà quây quần ăn trưa.

Tet cua du hoc sinh anh 1

Minh Ngọc (thứ 2 từ trái qua) ăn bữa cơm năm mới cùng gia đình người Hàn, sau đó đi chùa cầu may. Ảnh: NVCC.

Từ năm đầu tiên đến Hàn Quốc, Minh Ngọc đã được dạy về những kiến thức về văn hóa ngày Tết của người Hàn Quốc nên cô thường chờ gia chủ đi tảo mộ xong rồi mới ghé thăm. Người Hàn Quốc có truyền thống tặng nhau hoa quả hoặc thịt hộp vào ngày đầu năm mới. Hiểu rõ điều đó, Ngọc thường mua hoa quả làm quà mỗi lần đến nhà người Hàn ăn Tết.

Bữa cơm năm mới của người Hàn là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy, là dịp để cha mẹ đón con cái làm ăn xa trở về nhà. Trong bữa cơm, mọi người hỏi thăm sức khỏe, cùng nhau nói về những chuyện đã trải qua trong năm cũ. Bản thân Minh Ngọc là du học sinh đến từ Việt Nam, cô thường được gia chủ hỏi về việc học và cả những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết ở Việt Nam.

Theo mô tả của Minh Ngọc, mâm cơm Tết của người Hàn khá nhiều món. Những món không thể thiếu trong dịp này là tteokguk (canh bánh gạo), japchae (miến xào), galbijjim (sườn om) và các món chiên rán. Tùy thuộc từng gia đình và khẩu vị địa phương, số món ăn và cách chế biến cũng sẽ có sự khác biệt.

Mâm cơm ngày Tết ở Hàn Quốc của Thu Hoài cũng có những món ăn tương tự. Khi còn là sinh viên, Thu Hoài làm thêm tại một nhà hàng ở thành phố Yeongcheon nên cô sẽ đón Tết ngay tại nhà hàng cùng chủ và những người bạn làm cùng. Sáng mùng 1 Tết, chủ quán chuẩn bị một số món ăn để đi tảo mộ, sau đó cùng nhân viên ăn bữa cơm năm mới.

Hoài nhận xét mâm cơm năm mới của người Hàn không đa dạng bằng mâm cơm năm mới của người Việt, nhưng cô khá thích món miến xào vì hương vị giống món miến mẹ cô thường làm.

Do làm thêm ở khu du lịch gần biển, ngày Tết, Thu Hoài khá bận rộn vì khách đông, thậm chí đông hơn ngày thường. Nhà hàng nơi Thu Hoài làm thêm chuyên về các món cá sống. Cô phát hiện bên cạnh những món ăn truyền thống, người Hàn Quốc có sở thích ăn cá sống vào ngày đầu năm.

Đi chùa, đi biển đầu năm

Minh Ngọc cho biết vào dịp Tết Nguyên đán, những điểm du lịch nổi tiếng như cung điện Gyeongbokgung thường tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Ngọc từng nghe đến những hoạt động này nhưng cô chưa có dịp thử tham gia. Cô thường đi chơi cùng bạn bè, đi chùa hoặc tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trước khi quay lại trường học.

Người Hàn Quốc không có phong tục đi chùa vào dịp Tết giống người Việt Nam nên vào những ngày này, các ngôi chùa ở Hàn hầu như chỉ có du học sinh như Ngọc hoặc người lao động Việt Nam ghé đến để cầu may mắn, tài lộc.

Do làm thêm ở nhà hàng gần biển, Thu Hoài không đi chùa giống như Minh Ngọc mà chọn đi biển ngắm bình minh. Vào ngày đầu năm (1/1 dương lịch và âm lịch), người Hàn Quốc sẽ đi biển ngắm bình minh để cầu may mắn cho năm mới. Hoài và bạn bè cũng dậy sớm ra biển vào những ngày này để cầu may.

Sau khi tốt nghiệp đại học và bắt đầu công việc toàn thời gian ở công ty mới, Thu Hoài vẫn giữ thói quen ra biển vào ngày đầu năm. Cô cho biết bãi biển vào ngày mùng 1 khá đông. Người Hàn Quốc, từ người lớn tuổi đến thế hệ thanh, thiếu niên, mọi người đều duy trì hoạt động này như một nét đẹp trong dịp Tết.

Nhiều năm đón Tết ở Hàn Quốc, Minh Ngọc và Thu Hoài đều nhận thấy Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc và Việt Nam có những điểm giống, khác nhau.

Ví dụ, Hàn Quốc và Việt Nam đều có tục lì xì cho trẻ nhỏ và tặng nhau những lời chúc may mắn về sức khỏe, tài lộc. Tuy nhiên, điểm khác là trẻ nhỏ Hàn Quốc phải vái lạy người lớn rồi mới nhận lì xì.

Một điểm chung nữa là các thành phố lớn ở Việt Nam và Hàn Quốc trong dịp Tết đều khá vắng vẻ. Minh Ngọc cho biết vào ngày Tết Nguyên đán, thành phố Seoul nơi cô sống vắng vẻ giống như Hà Nội vì mọi người đều rời thành phố về quê. Trong khi đó, những điểm du lịch như thành phố Yeongcheon nơi Thu Hoài sống lại khá đông người.

Nhiều năm đón Tết xa nhà, dù buồn và tủi thân vì không được ở cạnh người thân, Minh Ngọc và Thu Hoài đều trân trọng những lần được đón năm mới cùng người Hàn Quốc. Với những du học sinh như Ngọc, Hoài, sự quan tâm, đón tiếp nồng hậu của những gia đình người bản xứ là một trong những điều tốt đẹp họ nhận được trong thời gian học tập và sinh sống tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du học sinh Việt ăn Tết cùng người Hàn, đi chùa, đi biển cầu may