Nhìn từ góc độ khách quan, trong thời đại du lịch hàng không giá rẻ và dễ tiếp cận như hiện nay, các gia đình có cơ hội du lịch nước ngoài và trải nghiệm văn hóa quốc tế, trong đó có giáo dục. Họ bắt đầu mong muốn con cái được theo học các trường phương Tây - nơi chất lượng giáo dục vẫn luôn là số một thế giới.
Họ tìm hiểu các phương pháp giáo dục hiện đại, đổi mới, khác biệt, chuẩn hoá quốc tế và có sự so sánh với phương pháp giáo dục truyền thống. Sẵn nguồn lực, cộng với hiểu biết phong phú, nhu cầu giáo dục của con cái các gia đình châu Á ngày một lớn dần.
Đó cũng là cơ hội để các trường quốc tế hình thành và phát triển, từ đó, sinh ra khái niệm “du học tại chỗ”. Trên thực tế, đầu tư cho giáo dục không phải một nhu cầu mới mẻ nhưng nhu cầu này chưa bao giờ phổ biến và lan rộng trong các gia đình châu Á như hiện nay.
Mô hình này tiếp tục lớn mạnh trong 2 năm dịch Covid-19 khiến việc đi lại giữa các nước bị hạn chế, cùng những vấn đề như phân biệt chủng tộc, địa chính trị... Tuy nhiên, du học tại chỗ cũng làm gia tăng khoảng cách giáo dục, khoảng cách giàu - nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội châu Á.
Giờ học ở một trường quốc tế tại Nhật Bản. |
Tương tự Malaysia hay Singapore, các gia đình Thái Lan ngày càng dư dả, đủ khả năng gửi con cái theo học trường quốc tế. Nhiều phụ huynh mong muốn đây sẽ là tiền đề để con làm việc hoặc định cư ở nước ngoài. Phương pháp lấy học sinh làm trung tâm tại nhiều trường quốc tế cũng được đánh giá cao hơn phương pháp giảng dạy truyền thống tại Thái Lan.
Trái ngược với các quốc gia châu Á phát triển rầm rộ mô hình “du học tại chỗ”, hình thái này tại Trung Quốc ngày một ảm đạm. Trước dịch Covid-19, Trung Quốc có gần 900 trường quốc tế nhưng con số đang giảm dần. Năm 2021, Chính phủ Trung Quốc ban hành chính sách “giảm kép” nhằm loại bỏ áp lực học tập cho trẻ em. Trong đó, ngoài cấm dạy thêm tư nhân, các trường quốc tế tại nước này cũng bị kiểm soát gắt gao và hạn chế hoạt động.
Từ năm ngoái, Trung Quốc yêu cầu dừng giảng dạy chương trình nước ngoài tại các trường mầm non cho đến lớp 9. Theo đó, thành viên ban quản trị hay ban giám hiệu của các trường từ mầm non đến THCS phải là công dân Trung Quốc, có đại diện của giới chức quản lý. Trước đó, hầu hết các trường tư thục tại nước này giảng dạy cả chương trình trong nước lẫn nước ngoài. Các trường quốc tế chỉ giảng dạy chương trình nước ngoài.
Ngoài ra, sau hơn 2 năm Trung Quốc áp dụng chính sách “không Covid”, ngày càng nhiều giáo viên nước ngoài tại các trường quốc tế muốn rời khỏi nước này. Tháng 5 vừa qua, Michael, giáo viên tại một trường quốc tế ở thành phố Thượng Hải, đã đơn phương chấm dứt hợp đồng và rời Trung Quốc. “Mọi chuyện đã lên đến đỉnh điểm. Lợi ích kinh tế không thể bù đắp được sự mất tự do”, Michael cho biết.
Michael là một trong số hàng trăm giáo viên tại các trường quốc tế đang rời khỏi Trung Quốc vì các chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt; từ đó, đẩy các trường quốc tế vào tình thế nguy hiểm. Chưa kể, số lượng học sinh tại các trường cũng sụt giảm vì nhiều phụ huynh cho con du học nhằm thoát khỏi sự kìm hãm trong nước.
Xu hướng ảm đạm tại Trung Quốc được cho là cơ hội để “du học tại chỗ” nở rộ tại Nhật Bản. Ban đầu, các trường quốc tế tại Nhật Bản được thành lập cho học sinh các nước châu Á khác, đặc biệt là Trung Quốc, để các em không phải rời gia đình quá xa.
Hơn nữa, học sinh không phải lo lắng khác biệt văn hóa, khí hậu, địa chính trị hay các vấn đề phân biệt chủng tộc. Nhưng các trường quốc tế đang dần thu hút phụ huynh Nhật Bản.
Khác với các trường phổ thông công lập Nhật Bản thường tựu trường vào tháng 3 hàng năm, tháng 8 vừa qua, Học viện Harrow, Anh, cơ sở tại “xứ Phù Tang” mới chính thức khai giảng.
Cơ sở này được thành lập từ năm 2018 với học phí trung bình hàng năm là 8,5 triệu yên. Học viện Harrow, Anh, nổi tiếng là một trong những cái nôi đào tạo các gia đình hoàng gia thế giới.
Ngôi trường nằm tại thị trấn Appi, tỉnh Iwate – nơi sở hữu những khu trượt tuyết nổi tiếng hàng đầu Nhật Bản. Bên cạnh chương trình học tập quốc tế, học sinh nhà trường được tham gia các lớp học trượt tuyết, golf và phục vụ ba bữa ăn mỗi ngày. Năm học 2022 – 2023, nhà trường đón 180 tân học sinh.
Tại Nhật Bản, số lượng trường quốc tế sử dụng chương trình học bằng tiếng Anh đang tăng lên hàng năm. Là chi nhánh của các cơ sở giáo dục phổ thông hàng đầu thế giới như Học viện Harrow, Trường Rugby, Trường Malvern (Anh), các trường quốc tế Nhật Bản đang tìm cách thu hút con cái đến từ gia đình giàu có châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc.
Với học phí hàng năm có thể lên tới 9,3 triệu yên (khoảng 1,5 tỷ đồng), các trường quốc tế sở hữu khuôn viên xanh tươi, yên tĩnh, cách biệt với thế giới bên ngoài. Chương trình giảng dạy quốc tế với các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa phong phú.
Nhìn chung, bí quyết thành công của mô hình “du học tại chỗ” không chỉ nằm ở việc phát triển kỹ năng tiếng Anh cho học sinh, mà còn kết hợp nhiều phương pháp, triết lý giáo dục vào giảng dạy như giáo dục Montessori, Reggio Emilia, giáo dục nhiều lứa tuổi... trong một môi trường học tập. Từ đó, học sinh có thể trải nghiệm đa dạng phương pháp và văn hóa khác nhau.