Dự thảo quy định các tiêu chí như vậy chính là nhấn mạnh yếu tố chất lượng và hiệu quả của hệ thống đại học là luôn luôn phải song hành cùng nhau.
Các ngưỡng, mốc chuẩn đã được dự thảo trên cơ sở kết quả khảo sát và tổng hợp, phân tích dữ liệu của 126 cơ sở giáo dục đại học đã gửi ý kiến phản hồi. Trong đó, các tiêu chí, chỉ số đã được xây dựng quan tâm tới tính đặc thù theo ngành, lĩnh vực hoặc loại cơ sở giáo dục đại học.
Không giống như chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học năm 2015, Dự thảo chuẩn lần này là hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của chuẩn được xây dựng để bao quát những điều kiện và kết quả hoạt động chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học.
Các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số đã được hệ thống hóa, mang tính tường minh và khả thi vì các chỉ số đều được định lượng hoặc các chỉ số định tính được yêu cầu các minh chứng cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện. Phương pháp đánh giá mức độ đạt được các tiêu chuẩn tiêu chí rõ ràng và được hướng dẫn tường minh.
Nói cách khác, nguyên tắc áp dụng trong xây dựng Chuẩn lần này luôn phải gắn tính liên quan với chất lượng, hiệu quả, định lượng, dễ đo đếm, dễ giám sát… Những thay đổi này sẽ đảm bảo khả thi trong thực hiện.
Một giờ học của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. |
- Có ý kiến cho rằng đã có quy định về chuẩn kiểm định đối với cơ sở giáo dục đại học rồi thì không cần quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học nữa. Vậy sự khác nhau giữa Chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục đại học và Chuẩn giáo dục đại học là như thế nào?
- Xét về góc độ pháp lý, Luật giáo dục đại học quy định thẩm quyền của Bộ GD&ĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở giáo dục đại học.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được sử dụng làm công cụ quản lý Nhà nước trong việc xem xét điều kiện hoạt động và giám sát thường xuyên các điều kiện bảo đảm chất lượng hoạt động cũng như các kết quả hoạt động chính của các cơ sở giáo dục đại học; trong khi các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở giáo dục đại học được sử dụng để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tự đánh giá và cải tiến chất lượng theo sứ mạng, mục tiêu đã công bố, để các tổ chức kiểm định đánh giá, xem xét công nhận chất lượng của cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ nhất định.
Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là những yêu cầu tối thiểu để giám sát các hoạt động giáo dục đại học theo các quy định của pháp luật và là việc làm thường niên; trong khi đó, các tiêu chuẩn kiểm định để đánh giá công nhận chất lượng của một cơ sở giáo dục đại học theo chu kỳ 5 năm một lần.
Các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định hiện nay thường được xây dựng theo cách tiếp cận "nguyên lý" (principle based), nguyên tắc “fit for purpose” nên tùy mỗi cơ sở giáo dục đại học tuyên bố sứ mạng khác nhau sẽ có các kết quả khác nhau. Nói cách khác, không đánh giá được các cơ sở giáo dục đại học theo một thước đo chung.
Ngoài ra, các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định thường bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí (Bộ tiêu chuẩn hiện hành do Bộ GD&ĐT ban hành bao gồm 25 tiêu chuẩn 111 tiêu chí), đi rất sâu vào từng quy trình trong hệ thống nhưng mang tính định lượng thấp, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, kinh nghiệm đánh giá của đội ngũ kiểm định viên
Khác với các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được xây dựng theo cách tiếp cận, nguyên lý "rules based" (KPI) để đo lường, đánh giá các mặt hoạt động chính yếu của các cơ sở giáo dục đại học hằng năm với các tiêu chí theo các yêu cầu tối thiểu, định lượng phản ánh chức năng chính của một cơ sở giáo dục đại học là đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức phục vụ cộng đồng.
Điều này cũng tương đồng với quy định của các nước trên thế giới hiện nay như Australia, Thái Lan, Indonesia…, quy định chuẩn cơ sở giáo dục đại học để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện giải trình, để quy định về chi phí đơn vị, xác định cơ chế phân bổ, xây dựng các tiêu chí kiểm định phải phù hợp với Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình, các cơ sở giáo dục đại học báo cáo thường niên cũng phải dựa trên các yêu cầu của chuẩn, việc giải trình của các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện thông qua việc xem xét sự tuân thủ đối với Chuẩn…
Như vậy, có thể nói Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và các bộ tiêu chuẩn đánh giá, kiểm định cơ sở giáo dục đại học là hai công cụ khác nhau về mục đích, nội dung và tính chất, bổ sung cho nhau.
Xin cảm ơn bà!
"Với tiếp cận xây dựng Chuẩn như vậy và trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu sự tác động của Thông tư, của các bên liên quan cũng như toàn xã hội, Bộ GD&ĐT mong muốn Chuẩn này được ban hành để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học cũng như để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học nâng cao hiệu suất giảng dạy và hiệu quả trong tổ chức hoạt động giáo dục đại học" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy.