Dự thảo Chương trình GD Mầm non mới: Cơ hội để trẻ phát triển thế mạnh

12/04/2024, 08:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) mới tạo sự gắn kết giữa nhà trường - gia đình - cộng đồng để giáo dục và giúp trẻ phát triển toàn diện.

Đánh giá toàn diện

Cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội) đánh giá, trong Dự thảo Chương trình GDMN mới, các lĩnh vực phát triển được chia nhỏ, nhiều nội dung hơn. Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải bao quát chung, linh hoạt, thay đổi cách đánh giá giáo viên, mức độ đạt, không đạt của trẻ khi thực hiện nhiệm vụ. Đối với giáo viên, phải biết lựa chọn nội dung tổ chức hoạt động trong ngày cho phù hợp để đánh giá từng mục tiêu.

“Chương trình GDMN hiện hành và Dự thảo Chương trình GDMN mới đều đặt ra kết quả mong đợi đối với trẻ. Trên cơ sở đó, trường có thêm lựa chọn mục tiêu nâng cao riêng giúp giáo viên tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ phù hợp điều kiện của trường, cũng như địa phương”, cô Bích Ngọc nói.

Bên cạnh đó, Dự thảo Chương trình GDMN mới đưa ra nhiều cách gợi mở người quản lý và giáo viên cụ thể về nội dung, phương pháp, hình thức, cách đánh giá trẻ… Đặc biệt, định hướng nội dung giáo dục phong phú, phù hợp với lứa tuổi theo cấp độ khó dần với kết cấu hợp lý, khoa học, có tính logic…

Đánh giá tích cực, song cô Bích Ngọc đề nghị, Bộ GD&ĐT trước khi triển khai cần tập huấn, trao đổi chuyên môn để các trường chia sẻ thắc mắc, khó khăn có thể gặp trong quá trình thực hiện. Nhiều thuật ngữ mới, giáo viên, người quản lý mong được giải thích kỹ hơn, ví dụ như tiếp cận năng lực, năng lực đặc thù….

Cô Lã Hương Giang - Trường Mầm non Khánh Khê (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) cho rằng, Dự thảo Chương trình GDMN mới nhấn mạnh, thể hiện rõ hơn quan điểm tiếp cận hoà nhập, công bằng, bình đẳng và tôn trọng trẻ, đặc biệt là phát triển ngôn ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Như vậy, Dự thảo Chương trình đã quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng GDMN ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào. Đặc biệt, đối với địa phương có nhiều trẻ DTTS, mức độ tiếp nhận khác nhau, việc thêm mục tiêu đánh giá sẽ giúp có cách nhìn toàn diện và phát triển thế mạnh cho các em.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định). Ảnh NVCC
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định). Ảnh NVCC

Đề cao tính chủ động

Mục tiêu của Dự thảo Chương trình GDMN mới là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị hành trang vào lớp 1... Đồng thời, Dự thảo Chương trình khung có tính chất mở, thể hiện mục tiêu giáo dục, quy định các yêu cầu về nội dung, phương pháp GDMN và đánh giá sự phát triển của trẻ. Quy định trên làm căn cứ cho việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở cơ sở GDMN.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định), Dự thảo Chương trình GDMN mới tiếp cận quá trình hình thành năng lực, phẩm chất của trẻ, định hướng tình cảm, xã hội thể hiện rõ ở các thành tố như mục tiêu, nội dung Chương trình và kết quả mong đợi ở từng lĩnh vực; định hướng phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ được thống nhất phối hợp thực hiện giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, Dự thảo Chương trình GDMN mới bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông với Chương trình GDPT. Chương trình thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, “lấy trẻ làm trung tâm” với phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”; là sự chuyển đổi qua giai đoạn mớinênviệc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 vô cùng quan trọng.

Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên phân tích thêm, ở mầm non, trẻ tham gia các hoạt động giáo dục chủ yếu theo nhu cầu, hứng thú bản thân dưới định hướng, dẫn dắt, động viên, khích lệ giáo viên. Bước sang môi trường tiểu học, học là hoạt động chủ đạo và bắt buộc. Các em phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo tiến độ cả lớp. Vì vậy, việc chuẩ̉n bị tâm thế vào lớp1 rất cần thiết.

Điều này giúp trẻ bước sang giai đoạn mới bớt bỡ ngỡ, hoàn thành tốt nhiệm vụ - đây là công việc quan trọng của cơ sở GDMN, đặc biệt giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi. Thông qua xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế hoạt động theo hướng “học bằng chơi, chơi mà học”giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội và có tâm lý vững tin, sẵn sàng bước vào lớp 1.

Dự thảo Chương trình GDMN mới quy định những nội dung giáo dục áp dụng đối với mọi trẻ em mầm non, đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở GDMN. Giáo viên được lựa chọn, bổ sung một số nội dung để triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với trẻ và điều kiện của địa phương, cơ sở GDMN. Vì vậy, mỗi nhà trường phải căn cứ vào Chương trình khung để xây dựng Kế hoạch phát triển Chương trình giáo dục nhà trường, phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ; tình hình, đặc điểm của địa phương và trẻ em.

Nhà trường cần chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp với cá nhân, tổ chức ở địa phương huy động đa dạng nguồn lực tham gia hoạt động giáo dục và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

“Trong triển khai, cần đề cao sự tham gia, liên kết chặt chẽ và phối hợp hiệu quả giữa nhà trường với cha mẹ trẻ, xã hội và cộng đồng. Đây là một trong những điều kiện để bảo đảm chất lượng mà Dự thảo Chương trình GDMN mới đề ra”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định) lưu ý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Chương trình GD Mầm non mới: Cơ hội để trẻ phát triển thế mạnh