PV: Sau khi nghiên cứu Luật chuyển đổi giới tính, ông có những nhận định như thế nào về tính thực tiễn của nó?
TS Nguyễn Huy Quang: Bộ luật Dân sự liên quan đến quy định quyền được chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân, tôi cho đây là một quy định rất văn minh, hiện nay các nước Đông Nam Á chưa có quốc gia nào quy định về quyền này.
Để quyền nhân thân được thực thi trong thực tiễn, để những người chuyển giới được hưởng các quyền thực sự của mình thì chúng ta phải có Luật về chuyển đổi giới tính và Luật Chuyển giới tính sẽ quy định như thế nào là những người chuyển giới. Tức là chúng ta phải xác định được nhận diện giới rồi người ta phải có sự can thiệp y học sau đó mới được công nhận về mặt hộ tịch.
Tôi đồng nhất với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, tức là chúng ta phải xác định chỉ có những người mà có cái bản dạng giới, tức là nó có sự khác biệt thì Luật can thiệp còn các đối tượng khác như là đua đòi đang là nam trong một ngày đẹp trời lại muốn thành nữ thì cái đấy là nó bị loại trừ trong Dự thảo luật này.
PV: Theo ông cách tiếp cận về luật pháp của chúng ta trong Luật chuyển đổi giới tính nên theo hướng như thế nào?
TS Nguyễn Huy Quang : Luật điều chỉnh đối tượng là những người có bản dạng giới khác biệt so với giới tính vốn có của mình. Để được công nhận về mặt hộ tịch thì người đó phải chuyển đổi giới tính, tức là phải có sự can thiệp y tế. Sự can thiệp này có thể bằng nội tiết tố hoặc phẫu thuật. Việc chuyển đổi giới tính này phải có xác nhận của cơ quan y tế. Trên cơ sở đó, người ta căn cứ vào giấy này sẽ thay đổi hộ tịch cho người đó.
PV: Dự án luật Chuyển đổi giới tính chúng ta cần phải giải quyết vấn đề gì của thực tiễn, thưa ông?
TS Nguyễn Huy Quang : Hiện nay Việt Nam chúng ta có từ 0,3 đến 0,5 % dân số liên quan đến giới tính và cần được chuyển giới có nghĩa là có từ 300.000 đến 500.000 người. Cho nên cái thực tiễn đầu tiên cần giải quyết đó là để những người này sống thật với giới tính của mình như người ta mong muốn. Vấn đề thứ hai là chúng ta phải có một thể chế về mặt pháp lý để giải quyết sự mong muốn này. Tức là làm thế nào đấy để xác định được các đối tượng này là những người chuyển giới thật sự. Và có một đội ngũ chuyên gia để xác nhận bản dạng giới của họ.
Chúng ta phải có được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện để can thiệp y học, trong đó có can thiệp về nội tiết tố và ngoại khoa. Do Việt Nam chúng ta chưa có Luật nên nhiều người phải chuyển sang các nước khác để thực hiện can thiệp chuyển giới, trong đó có sang Thái Lan.
Hiện vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người chuyển giới bởi chúng ta chưa có một nền tảng pháp lý. Nhưng nếu như người ta được công nhận về mặt hộ tịch thì sẽ được coi là những người công dân bình thường khác, tức là nam hoặc nữ. Trên cơ sở đó có thể tham gia vào tất cả các hoạt động về mặt chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội mà không có sự phân biệt.
PV: Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là nếu như chúng ta luật hóa chính sách dành cho người chuyển giới thì đồng nghĩa với việc chúng ta cũng sẽ phải chuyển đổi chính sách một số luật khác như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật việc làm hay là chính sách tiền lương hay là Luật hôn nhân và gia đình, thưa ông?
TS Nguyễn Huy Quang : Tôi nghĩ là không có gì khó cả. Chúng ta nhất quán là nam và nữ chúng ta không có cái khái niệm là uni-sex. Cho nên khi Luật được ban hành thì những người chuyển đổi giới tính sẽ được xác định lại là nam hay nữ. Nếu như người ta chuyển từ nữ sang nam mà đã có can thiệp về mặt y học rồi, lúc đấy, nếu căn cứ tiêu chuẩn sức khỏe mà cần phải đi bộ đội thì vẫn thực hiện nghĩa vụ như bình thường.
PV: Xin cảm ơn ông!/.