"Tuy nhiên, có những khoản chi mà phụ huynh khó lòng tự nguyện và chấp nhận, như 'Chi tiền hỗ trợ nguyên năm cô Thu nhờ thêm người bưng bê, dọn dẹp ăn trưa trước lớp', 'Chi tiền hỗ trợ một giáo viên nguyên học kỳ I', tiền hòa mạng Internet..." - phụ huynh T. nói.
Một phụ huynh khác phản ánh: "Tôi cảm giác tất cả mọi hoạt động dù nhỏ nhất trong lớp cũng quy ra tiền để thu. Từ chi tiền ăn uống, gấu bông khi diễn văn nghệ, tiền mua loa gắn vào tivi, tiền hòa mạng Internet... Đã là quỹ phụ huynh thì các khoản chi phải vì học sinh, cho học sinh. Vì sao lại chi cho giáo viên và chi những khoản đáng ra nhà trường đã trang bị cho các em?".
Đáng nói, trong nhóm thông tin của lớp, giáo viên chủ nhiệm của lớp học này nói rằng phụ huynh yên tâm, tất cả mọi chi tiêu lo cho các con đều rất rõ ràng và hợp lý. "Cô chưa từng nghĩ lợi lộc gì cho bản thân".
Thế nhưng, khi một vài phụ huynh trong lớp phản ứng về những chi phí như sơn bàn ghế quá cao thì giáo viên cho rằng đây là chi phí rất rẻ. Đồng thời chốt lại: "Cô và ban đại diện làm tất cả mọi sự việc bằng cái tâm, đó là điều chắc chắn, mà ít ai có thể làm được. Không một ai được hưởng lợi gì trong chuyện này ngoài học sinh. Nên phụ huynh đừng bao giờ có ý kiến về chuyện tiền bạc nữa, tất cả chỉ vì học sinh. Và phụ huynh đừng vì những việc này mà làm phiền cô, để cô yên tâm công tác, dạy dỗ cho các con nên người".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà, xác nhận có sự việc như trên tại lớp 1/2 sau khi Báo Người Lao Động liên hệ.
"Tôi đã cho kiểm tra ngay và yêu cầu dừng tất cả mọi hoạt động thu - chi tại lớp. Giáo viên chủ nhiệm cũng báo cáo mới chỉ lập dự toán nhưng chưa thực hiện chi khoản nào" - bà Yến nói.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà cũng khẳng định việc chi các khoản như tiền sửa chữa phòng học là theo sự thỏa thuận, tự nguyện của phụ huynh. Nhưng việc chi hỗ trợ giáo viên là sai quy định, bất hợp lý, nhà trường sẽ làm việc với giáo viên và Ban đại diện phụ huynh của lớp này.