"Ngoài ra, giáo viên cũng phải tích hợp nhiều kiến thức về xã hội, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân vào trong môn Ngữ văn để dạy học sinh. Đặc biệt, khi lấy ngữ liệu ngoài SGK, giáo viên cần đọc nhiều, có kiến văn rộng, cập nhật thông tin phong phú. Việc thẩm định ngữ liệu cũng là một khó khăn do yêu cầu về thể loại, phù hợp với tâm lý lứa tuổi; kho tư liệu tham khảo chưa nhiều, nguồn chưa phong phú", cô Nguyệt nói.
Là một trong những ngôi trường tiên phong về đổi mới trong quản lý và giảng dạy tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Trường THCS Nguyễn Du cũng đã hoàn tất việc kiểm tra cuối học kỳ 1 cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, trong mạch đổi mới về phương pháp giảng dạy chương trình mới, giáo viên hướng cho học sinh cách khai thác về kiến thức để vận dụng vào cuộc sống, nhất là khối 6, 7. Khi áp dụng phương pháp thuyết trình, thầy cô giúp học sinh tự khai thác và chủ động tìm hiểu bài.
Ví dụ, giáo viên có thể đưa câu hỏi về cầu thủ M-Bappe của đội tuyển quốc gia Pháp có hành động trao tặng tiền thưởng của mình sau khi kết thúc kỳ World's Cup 2022 cho trẻ em Châu Phi để các em phân tích, bình luận nhằm hình thành nhân cách và đức tính nhân văn.
Là giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Nguyễn Du - Nam Từ Liêm, cô Nguyễn Thị Cẩm Vân khẳng định, nội dung trong chương trình SGK môn Ngữ văn mới có nhiều bài học phù hợp với học sinh. Riêng về phần kiểm tra, đánh giá với học sinh khối 6, 7 thì đã có ma trận đề trắc nghiệm. Việc này sẽ mất khá nhiều thời gian cho thầy cô trong thời gian đầu khi xây dựng đề cương. Tuy nhiên, đây là khâu cần thiết để có thể đa dạng hóa được bộ đề cho học sinh.
Các em học sinh đã bắt đầu được làm quen với hình thức kiểm tra Ngữ văn dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. |
Ngoài ra, giữa SGK mới và cũ có sự giao thoa. Ở sách lớp 9 có phần văn bản ngoài SGK, việc làm quen không gặp nhiều khó khăn và các em thấy thú vị vì tiếp xúc với nhiều văn bản hơn. Bản thân mỗi giáo viên cũng hấp thụ được nhiều kiến thức mới. Cách ra đề của nhà trường không quá khó đánh đố học sinh.
Nói về cấu trúc đề Ngữ văn khối 6 và 7, cô Cẩm Vân cho biết, đề được ra theo tỉ lệ 6 (đọc hiểu) - 4 (viết tạo lập văn bản). Trong khi đề lớp 8, 9 vẫn theo form đề cũ nên sẽ khác. Giờ đây, giáo viên cho ngữ liệu mở vào đề nên học sinh không thể học vẹt, học tủ. Học theo thể loại và thuộc được phương pháp chung sẽ chú trọng hình thành kỹ năng cho học sinh để phân tích, làm bài. Đồng thời, định hướng thể loại, kỹ năng đọc hiểu văn bản, chú trọng cách thức tiếp cận văn bản cùng thể loại.
"Ngoài ra, hệ thống câu hỏi trong đề Ngữ văn cần đảm bảo chính xác, ngắn gọn và có đủ câu gây nhiễu. Các câu cần đi từ mức độ dễ đến khó, có tính ứng dụng cao và tương đương về thể loại, chủ đề của các văn bản trong SGK mà học sinh được học. Với từng đối tượng học sinh hay thực tế địa phương mình sinh sống, thầy cô sẽ lựa chọn những câu hỏi sao cho phù hợp, không mang tính đánh đố học sinh" - cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhấn mạnh.