Đưa trò về miền di sản

04/06/2023, 07:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian qua, các tour du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục đã thu hút học sinh các trường học trên địa bàn Quảng Trị.

Mũi tên hướng tới nhiều đích

Du lịch giáo dục trở nên phổ biến trong hoạt động giảng dạy nhà trường. Các chương trình được xây dựng đa dạng hình thức và hiệu quả giáo dục hướng tới nhiều đích.

Trường THPT Chế Lan Viên hàng năm tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử - văn hóa như: Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Thành cổ Quảng Trị. Hoạt động được tổ chức vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, hành trình “Về nguồn” cuối năm học. Năm học này, trường tiếp tục cho học sinh khối 12 học tập trải nghiệm tại Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Khu di tích lịch sử thành Tân Sở - nơi đặt đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương (huyện Cam Lộ).

Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên - cho biết, hoạt động trải nghiệm gắn với di tích lịch sử - văn hóa là phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với Chương trình GDPT mới; góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục truyền thống. Trên cơ sở đó, rèn luyện cho học sinh năng lực quan sát, làm việc tập thể, giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm sinh động về lịch sử địa phương. Hoạt động trải nghiệm bổ ích, lý thú nên học sinh, giáo viên đều hào hứng tham gia...

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chế Lan Viên, khó khăn nhất của việc tổ chức giáo dục trải nghiệm là vấn đề kinh phí. Vì vậy, đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, thông qua phụ huynh góp ý kiến. Khi phụ huynh đồng thuận thì trường cân đối nguồn kinh phí phù hợp để tổ chức, gia đình chỉ phải đóng góp một phần cho con em tham gia hoạt động.

“Trên cơ sở điều kiện hiện có, trường tổ chức hoạt động phù hợp. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt sẽ được miễn phí để đảm bảo tất cả được tham gia. Thời gian qua, chưa học sinh nào vì khó khăn mà không được dự hoạt động trải nghiệm do trường tổ chức…”, cô Tuyết khẳng định.

Qua tìm hiểu cũng cho thấy, nhằm giúp học sinh tham gia hoạt động học tập, trải nghiệm ngoài nhà trường hiệu quả, một số trường học tại Quảng Trị đã chủ động liên kết cùng đơn vị khai thác du lịch để tổ chức tour tuyến tham quan. Cùng đó, các đơn vị lữ hành kết hợp với đội ngũ giáo viên xây dựng chương trình phù hợp lứa tuổi để mang lại sự hứng thú cho học sinh. Với khâu chuẩn bị, tổ chức chu đáo, học sinh vừa được trải nghiệm vui chơi du lịch, vừa học thêm nhiều kiến thức và kỹ năng thực hành trong cuộc sống. Giáo dục trải nghiệm đã mang lại nhiều giá trị hiệu quả chứ không rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.

Theo ông Lê Hoàng Linh – Giám đốc Trung tâm Lữ hành Sepon (Sepon Travel), từ đầu năm học đến nay, đơn vị đã tổ chức cho hơn 2.000 lượt học sinh các trường tham quan theo tour du lịch giáo dục. Ngoài các điểm trong tỉnh, đơn vị còn tổ chức các tour ngoại tỉnh. Bước đầu triển khai cho thấy, phụ huynh, giáo viên, học sinh rất quan tâm. Để phát huy hiệu quả của hoạt động giáo dục trải nghiệm, thu hút học sinh tham gia, ông Linh cho biết đơn vị luôn phải sáng tạo, đổi mới, đa dạng các điểm tham quan để học sinh được thu nhận kiến thức mới mẻ, phục vụ quá trình học tập, trải nghiệm.

Theo ông Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị: Để mô hình du lịch - trải nghiệm học tập phát triển bài bản với những sản phẩm du lịch giáo dục chuyên nghiệp, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành Giáo dục và du lịch trong việc kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm gắn với học tập.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dua-tro-ve-mien-di-san-post640579.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dua-tro-ve-mien-di-san-post640579.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa trò về miền di sản