Từ khi bắt thăm chia bảng cho đến khi trái bóng World Cup 2022 lăn, ai cũng cho rằng trận đấu giữa Đức với Tây Ban Nha sẽ là trận tranh ngôi đầu bảng. Nhưng bây giờ, khi hai đội gặp nhau, Đức đang ở vào “cửa tử”. Với một đội bốn lần vô địch thế giới, bị loại ở vòng bảng World Cup một lần đã không dễ chịu chút nào, nữa là hai lần như vậy liên tiếp.
World Cup 2018, Đức thua Mexico trận mở màn, thắng Thụy Điển trận kế tiếp, vẫn còn cơ hội đi tiếp khi bước vào trận thứ ba gặp Hàn Quốc. Và cơ hội đó còn sống tới tận phút 90+2 trước lúc nhận đòn hồi mã thương từ những người châu Á. Giờ cơ hội của Đức có thể bị đóng sập ngay sau trận thứ hai vòng bảng.
Đỉnh núi Tây Ban Nha quá cao để cho đội hình Đức vỡ vụn chắp vá có thể vượt qua. Đội bóng xứ bò tót không từ chối cơ hội để lấy điểm sớm vào vòng sau, đá bay một đối thủ tiềm tàng ra ngay khỏi giải, cũng là đối thủ đã gây cho họ bao tủi nhục trong quá khứ.
Trận thua tệ hại trước Nhật Bản khiến Đức đối mặt với "cửa tử" quá sớm. Ảnh: Reuters. |
Đức sẽ tìm cách nào vượt qua Tây Ban Nha? Cầm bóng tấn công? Có vẻ được. Trong hiệp đầu trận gặp Nhật Bản, họ đã thực hiện 422 đường chuyền thành công, lập kỷ lục thế giới mới trong hiệp một ở một trận World Cup kể từ khi các số liệu bắt đầu được thu thập năm 1966.
Nhưng có khi bạn cầm bóng được nhiều như vậy là do đối thủ của bạn nhường cho bạn cầm bóng, và chủ động chọn cách chơi khác. Nhật Bản biết họ không giỏi cầm bóng như Đức nên họ để Đức thoải mái làm điều đó. Nhưng Đức đã tỏ ra vô hại ở đầu khung thành Nhật Bản và bất cẩn ở đầu khung thành của mình.
Mềm yếu trước hai đầu khung thành không phải là đặc trưng của các đội Đức trong quá khứ. Nhưng nó là đặc trưng của đội Đức hiện tại. Một đội Đức bạc nhược, thiếu bản lĩnh, thiếu thủ lĩnh, thiếu cá tính, thiếu kỷ luật, thiếu chất Đức.
Khi Nhật Bản thay đổi cách chơi, không cho Đức thoải mái cầm bóng nữa thì sao? Hãy nghe thủ quân Manuel Neuer tổng kết: “Chúng tôi hoàn toàn chiếm ưu thế trong hiệp một, nhưng khi họ dâng đội hình cao hơn để gây sức ép, chúng tôi bắt đầu mất tự tin, thực hiện những đường chuyền yếu, khiến họ mạnh mẽ hơn nữa. Trước giờ nghỉ, mỗi đường chuyền đều mang một thông điệp, nhưng hiệp hai không được như vậy nữa”.
HLV Hansi Flick của Đức phải đau đầu với những lựa chọn tiếp cận trận đấu gặp Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
Muốn mỗi đường chuyền đều có ý nghĩa hay thông điệp, người Đức hãy xem đi xem lại các bàn thắng của Tây Ban Nha ghi vào lưới Costa Rica vài ngày trước. Trong trận đó, Tây Ban Nha lập một kỷ lục World Cup mới: kiểm soát bóng 82% thời gian trận đấu, thực hiện thành công 976 đường chuyền.
Không phải Costa Rica chủ động nhường Tây Ban Nha cầm bóng, mà họ thực sự không lấy bóng được từ chân đối thủ. Họ muốn trái bóng lắm, đôi khi là chỉ để phối hợp thực hiện một cú sút, chứ không nói đến bàn thắng. Nhưng một cú sút trong cả trận Costa Rica cũng không có. Tội nghiệp những người vùng Caribe, cả trận chỉ có bốn lần chạm bóng trong vòng cấm Tây Ban Nha.
Trong vài năm gần đây, chỉ có một trận thấy Đức chơi được, là khi hạ Bồ Đào Nha 4-2 tại Euro 2021. Bằng cách dàn hàng ngang 5-6 cầu thủ ở tuyến đầu, kéo căng phòng tuyến đối thủ ra hết cỡ để cho nó lộ những kẽ hở. Thua trận mở màn trước Pháp, Đức đã tìm đường vượt qua vòng bảng với trận thắng này. Nhưng vấn đề, muốn chơi được kiểu đó thì phải có bóng. Bóng đâu?
Tất nhiên, trình độ Đức khác Costa Rica. Tây Ban Nha không thể cầm bóng áp đảo trước Đức như với Costa Rica. Nhưng rất khó lấy từ bóng trong chân các cầu thủ Tây Ban Nha. Họ luôn suy nghĩ sẽ chuyền đi đâu trước khi nhận bóng, như kỳ thủ chơi cờ, nghĩ trước cả chục nước đi.
Khi bạn chạy đến chỗ cầu thủ có bóng thì nó đã được luân chuyển đi chỗ khác rồi. Khi 3-4 người cùng ập vào chặn các điểm nhận bóng tiềm năng, thì người Tây Ban Nha vẫn tìm thấy chỗ để chuyền. “Khoảng trống, khoảng trống, khoảng trống, đó là những gì tôi làm, tôi tìm kiếm khoảng trống, cả ngày”, Xavi Hernandez nói.
Gavi, cầu thủ trẻ tuổi nhất ghi bàn tại World Cup sau Pele năm 1958, là hiện thân của triết lý bóng đá Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters. |
Khoảng trống như là nỗi ám ảnh của người Tây Ban Nha. Ý tưởng thống nhất này từ Johan Cruyff tới Pep Guardiola, rồi Xavi nay đang là HLV Barca, Andres Iniesta, tới Gavi, Pedri trong đội bóng hiện thời. Luis Enrique, cùng thời với Pep, cũng là người mang DNA Barca với nỗi ám ảnh khoảng trống khôn nguôi. Ông gọi tám cầu thủ Barca sang Qatar.
Brazil, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha… đều có kỹ năng nổi bật, nhưng thời nay toàn cầu hóa, các nước học được hết đặc trưng của nhau. Đến Saudi Arabia còn phải làm ta say đắm với cách tổ chức chiến thuật của họ. Nhưng nếu cho Tây Ban Nha đổi quần áo, ngụy trang ra sân, ta vẫn nhận ra được họ với lối đan bóng như dệt mạng nhện và sự say sưa tìm kiếm khoảng trống.
Tây Ban Nha là đội tham dự World Cup chơi gần giống một CLB hàng đầu châu Âu nhất, đặc biệt trong cách di chuyển của họ ở 1/3 cuối sân. Như thể họ tập với nhau hàng tuần. Thế nên, ông Luis Enrique đâu có quan trọng chuyện phong độ tốt dở của các cầu thủ ở CLB của họ. Cứ hợp với phong cách đội bóng, sẵn sàng làm theo những gì ông nói là ông mời vào đội.
Trước trận gặp Costa Rica, trợ lý Rafel Pol của Luis Enrique trả lời phỏng vấn truyền hình: “Chúng tôi nghĩ các trung vệ sẽ có hai tình huống sau đây: chạm bóng trên 100 lần và phải tranh bóng bổng nhiều, vì thế Rodri sẽ giúp chúng tôi tốt”.
Quả đúng thế, tiền vệ trụ Rodri được bố trí đá trung vệ, đạt mốc 100 lần chạm bóng mới chỉ sau một giờ đồng hồ, thắng tất các đường bóng bổng, giống như “người chia bài” thứ hai trên sân bên cạnh Sergio Busquets. Một đội bóng biết rõ chi tiết việc cho từng người như vậy quá giống với một CLB sinh hoạt với nhau hàng ngày.
Nếu cho đội Đức khoác áo Tây Ban Nha đá hiệp đầu với Nhật Bản, người ta có thể tưởng đó là đội Tây Ban Nha. Gạch nối giữa hai nền bóng đá là Pep, khi ông đến làm việc cho Bayern Munich. Đội bóng xứ Bavaria đi đầu, cả Bundesliga và hệ thống các cấp đào tạo trẻ thay đổi theo, chọn lối chơi cầm bóng, đan bóng mềm mại, tiki-taka.
Người Tây Ban Nha sẽ cho người Đức biết họ mới là bậc thầy thật sự của lối chơi cầm bóng tấn công. Ảnh: Reuters. |
Pep đào tạo Philipp Lahm và sau này là Joshua Kimmich từ hậu vệ phải thành tiền vệ cầm bóng chia bài ở tuyến giữa. Pep trực tiếp rèn giũa Ilkay Gundogan ở Manchester City. Giờ thì Kimmich là thủ lĩnh chiến thuật, và Gundogan là người cầm bóng điềm tĩnh nhất của đội Đức.
Tất nhiên là việc hóa trang nói trên sẽ bị lộ vào hiệp hai khi Nhật Bản thay đổi lối chơi và khi Gundogan bị rút ra ngoài. Đội bóng fake trông thì giống thôi, chứ không thể nào có chất lượng như đội bóng thật. Gundogan và Kimmich đá hay theo một dạng nào đó, chứ bảo họ phải chơi như Pedri hay Gavi thì không thể, vì họ không có DNA đó trong người, không có những nỗi ám ảnh về khoảng trống như người Tây Ban Nha.
Cầm bóng không được, thế thì Đức chọn cách đá rát, áp sát như Mexico trước Argentina đêm qua? Cũng không được, vì Đức đang là đội khát điểm, cần tấn công, cần bàn thắng.
Mà nếu chọn cách đó, chạy theo kiểu “đá ma” của đối thủ, chỉ đến phút 60 là cả đội sẽ mệt nhoài và dâng lên những khoảng trống, những bàn thắng cho đối thủ. Đường lọt khe để bước vào “cửa sinh” ôi sao quá khó với người Đức.