Chính phủ Đức ngày 29/7 lên tiếng về cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với vấn đề Mỹ có kế hoạch đặt các tên lửa hành trình tầm trung trong lãnh thổ Đức vào năm tới.
Mỹ sẽ triển khai phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk ở Đức kể từ năm 2026. Ảnh: DW.
"Chúng tôi sẽ không để quốc gia bị đe dọa bởi những tuyên bố như vậy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer nói trong cuộc họp báo ở Berlin, theo DW.
Phó phát ngôn viên chính phủ Đức, bà Christiane Hoffmann nói "Berlin đã biết về tuyên bố mới của Tổng thống Nga Putin". Bà nói Đức cho phép Mỹ đặt tên lửa tầm trung trong lãnh thổ là quyết định phù hợp với những hành động của Nga ở Ukraine.
"Cụ thể là vì Nga đã thay đổi cán cân chiến lược ở châu Âu và đang đe dọa châu Âu. Với các tên lửa tầm xa của Mỹ, chúng ta sẽ thiết lập biện pháp răn đe", bà Hoffmann nói.
Trong bài phát biểu hôm 28/7, ông Putin gọi động thái trên của Mỹ và Đức là “đáng chú ý” và có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tên lửa kiểu Chiến tranh Lạnh.
Theo ông Putin, việc Mỹ triển khai các loại tên lửa như SM-6, Tomahawk tới Đức có thể đe dọa “nhiều cơ sở quan trọng của Nga”.
“Thời gian bay của các loại tên lửa như vậy, trong tương lai có thể trang bị đầu đạn hạt nhân, tới lãnh thổ của chúng tôi là khoảng 10 phút”, ông Putin nói. “Tình hình này gợi nhớ đến các sự kiện trong Chiến tranh Lạnh, liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ ở châu Âu”.
Ông Putin cảnh báo Nga sẽ có các biện pháp đáp trả tương tự và nói Moscow không còn bị ràng buộc bởi các hiệp ước cấm triển khai các loại vũ khí tấn công tầm trung.
Năm 2019, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với lý do Nga vi phạm hiệp ước. INF cấm các bên triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km.
Mỹ chính thức biên chế hệ thống tên lửa tầm trung Typhon với khả năng phóng tên lửa Tomahawk và SM-6 từ đất liền vào năm 2023.
Theo tuyên bố chung của Washington và Berlin, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa đánh chặn SM-6 cùng tên lửa siêu vượt âm ở Đức kể từ năm 2026.
Mỹ và Đức nói động thái này là phản ứng khi Nga đưa thêm các bệ phóng tên lửa Iskander tới vùng Kaliningrad.
"Những gì chúng tôi đang lên kế hoạch là phản ứng nhằm ngăn chặn khả năng Nga sử dụng vũ khí chống lại Đức hoặc các quốc gia khác ở châu Âu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer hôm 29/9 cho biết.