Hoạt động trục lợi tâm linh “hét giá” thu tiền không phải là hiếm tại các khu di tích, đình đền mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cần kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn biến tướng lễ hội và niềm tin mù quáng.
Lợi dụng lễ hội, lợi dụng niềm tin để thương mại hóa… tất cả cũng chỉ vì tiền. Vì tiền mà làm cho lễ hội méo mó, khiến cho nét văn hóa truyền thống bị lệch lạc là việc đáng lên án.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, các lễ hội đặc biệt là hội làng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân. Với khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm, có những lễ hội tổ chức rất đẹp, rất thanh bình, rất ý nghĩa. Tuy nhiên việc tồn tại những “hạt sạn” như buôn thần bán thánh cũng là bài học để các cấp ngành ở mọi địa phương không chỉ phải rút kinh nghiệm mà còn phải kiên quyết đấu tranh.
Trở lại câu chuyện tại di tích đền Bảo Lộc, ngày 21/2 trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Vũ Hồng Phong, Chánh văn phòng Sở VH,TT&DL Nam Định cho biết, sở đã cử người xuống địa phương lập biên bản và yêu cầu nhà đền phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Ông Phong cũng cho biết, đền Bảo Lộc không có nghi thức khai ấn mà chỉ có lễ Thánh đầu năm. Lá ấn ở đền Bảo Lộc là ấn Thánh chứ không phải ấn Đền Trần.
Theo ông Phong, UBND tỉnh Nam Định cũng đã có ý kiến chỉ đạo truyền đạt tới UBND huyện Mỹ Lộc khẩn trương kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại di tích đền Bảo Lộc.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.
Trao đổi với ông Đặng Huy Hiệp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phúc cho biết, sự việc đã được địa phương xác minh và xử lý. Hiện di tích chưa thành lập được ban quản lý nên UBND xã có trách nhiệm quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, việc chấn chỉnh phải từ từ chứ không một phát là được ngay.
Ông Phạm Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc cũng cho biết, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống di tích kiểm tra và sẽ xử lý theo quy định. Hiện vụ việc đã được lập biên bản và yêu cầu nhà đền ký cam kết không vi phạm.
Trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo, trong đó yêu cầu các địa phương khi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn, lợi dụng hoạt động tâm linh để trục lợi. Tổ chức các lễ hội sau Tết an toàn, lành mạnh, phát huy bản sắc dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.