Đừng trách khán giả Tuồng thiếu quan tâm!

20/01/2024, 08:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhà hát Tuồng Việt Nam là 'khách mời' của sự kiện 'Tuồng kể' do nhóm sinh viên Viện Báo chí&Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Trích đoạn công chúa An Tư chia tay Phi Hùng trong “An Tư công chúa” có cách hát, lối diễn đậm chất tuồng cổ và kể câu chuyện xảy ra cách đây gần 800 năm (thời nhà Trần), ít người biết tới nên ít nhiều đem đến những chia sẻ cảm xúc trái ngược: Hiểu và không hiểu. Còn màn tái hiện giặc Pháp thẩm vấn anh Lê và mẹ anh Lê trong “Tình mẹ” thì được đón nhận hào hứng hơn vì câu chuyện gần gũi hơn và lối hát, cách diễn cũng được nhẹ nhàng, giản lược hơn.

“Đây là lần đầu tiên em được xem tuồng nên mọi thứ đều lạ lẫm, mới mẻ. Nói thật là em đã không thể nghe rõ lời cũng như không hiểu được nhiều từ cổ mà các nghệ sĩ hát, nói trong trích đoạn “An Tư công chúa”.

Vì thế, em chưa hiểu câu chuyện mà đoạn trích đề cập tới. Sang đến trích đoạn sau, với lời hát nhẹ nhàng, rõ ràng hơn, em đã cảm nhận được ngọn lửa cách mạng cũng như nỗi đau phải biệt ly trong trái tim người mẹ.

Bà không sợ họng súng đe dọa của kẻ thù, thậm chí còn dám hy sinh cả khúc ruột – đứa con trai của mình hòng bảo đảm an toàn cho cơ sở cách mạng. Để việc truyền tải nội dung các trích đoạn đến với khán giả hiệu quả hơn, nên chăng nhà hát có lời tóm tắt trước khi mở màn để mọi người ít nhiều có thể hình dung”, sinh viên Thùy Linh, Trường Đại học Ngoại thương cho biết.

TS Lê Anh (Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) cũng bộc bạch: “Xem chị Quyên diễn trích đoạn vở “An Tư công chúa”, tôi chỉ thấy chị hát rất vất vả, phải thở, ngắt hơi song tôi không nghe được hết lời nên không hiểu chị hát gì.

Điều này làm tôi nhớ đến sân khấu châu Âu có màn hình chạy phụ đề và mong nhà hát cũng bổ sung màn hình chạy phụ đề như thế để mọi người thêm tư duy để hiểu hơn về đoạn trích chăng?”.

Biểu diễn trích đoạn trong vở tuồng 'Tình mẹ'. Ảnh: Bình Thanh.
Biểu diễn trích đoạn trong vở tuồng 'Tình mẹ'. Ảnh: Bình Thanh.

Trong khi đó anh Nguyễn Hoàng Hiệp - chuyên viên nội dung tại Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam lại cho biết anh không khó nghe và hiểu đoạn trích này.

“Việc thưởng thức nghệ thuật phụ thuộc vào gu của mỗi người. Tôi không bị ngợp khi xem tuồng, trông có vẻ rất máu lửa như thế nhưng thực ra nghệ sĩ phải tiết chế theo bài bản, niêm luật một cách tinh tế, không phải thích bước thế nào thì bước, vung tay thế nào thì vung…”, anh Hiệp nói.

Bạn Thanh Nga, sinh viên Đại học Ngoại thương cũng bày tỏ: “Từ nhỏ em đã xem tuồng diễn trong dịp lễ hội tổ chức ở chùa gần nhà và đã từng đọc truyện về công chúa An Tư. Vì thế, dù lần đầu chính thức đến rạp Hồng Hà xem tuồng, em không bỡ ngỡ và hiểu được trọn vẹn nội dung các trích đoạn…”.

Thực ra, sau phần biểu diễn trích đoạn, các nghệ sĩ như NSƯT Trần Long, nghệ sĩ tài năng trẻ Đỗ Quyên còn chia sẻ những kỷ niệm lúc hóa thân vào vai diễn, cảm xúc khi gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này và hướng dẫn khán giả trải nghiệm một số vũ đạo, diễn xuất đặc trưng của tuồng…

“Tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức để tập vai công chúa An Tư. Đoạn trích thể hiện tâm trạng trăm mối tơ vò của nàng khi phải gạt tình riêng để ghé vai cùng quan quân nhà Trần gánh vác việc non sông, góp sức đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Mỗi cử chỉ, động tác, câu hát đều phải tập trung diễn tả nỗi lòng ngổn ngang ấy”, nghệ sĩ tài năng trẻ Đỗ Quyên nói.

Với NSƯT Trần Long, rất lâu rồi anh mới diễn lại vai anh Lê trong trích đoạn vở tuồng “Tình mẹ”. Trước đó, anh đã từng hóa thân khi thi học kỳ và được các thầy đánh giá cao vì “diễn bằng cả trái tim và sống được với nhân vật”. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn để anh để ý và bắt đầu dành tâm sức dấn thân vào loại hình nghệ thuật truyền thống rất khó này.

“Dù đam mê nghệ thuật và có đến cả năm trời theo học chuyên ngành về tuồng ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nhưng ban đầu, tôi không yêu loại hình nghệ thuật này. Thế rồi, nhận được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của NSND Gia Khoản cũng như từ lời khen về vai diễn anh Lê của các thầy cô, nghệ sĩ, tôi mới nhận ra diễn tuồng cũng hay, từ đó chú tâm học hỏi và gắn bó cho đến hôm nay”, NSƯT Trần Long chia sẻ.

“Cùng với nỗ lực rất lớn của các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ nhà hát thì chúng tôi còn cần phải cảm ơn các bạn trẻ - như đang tổ chức sự kiện “Tuồng kể” này, những người rất tâm huyết để cùng vực dậy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ các bạn, những con người đáng quý, đáng trân trọng, chúng tôi có thể làm tất cả những điều tâm huyết của mình để cùng kéo khán giả đến với sân khấu tuồng” - Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dung-trach-khan-gia-tuong-thieu-quan-tam-post669121.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dung-trach-khan-gia-tuong-thieu-quan-tam-post669121.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng trách khán giả Tuồng thiếu quan tâm!