Ethylene oxide là gì?
Ethylene oxide (EO) là hợp chất hữu cơ có công thức C2H4O, là một chất khí không màu, có mùi ngọt nếu ở hàm lượng rất cao. Loại khí này có thể hòa tan trong nước. Chỉ có một hàm lượng rất nhỏ ethylene oxide trong tự nhiên, ví dụ như thải ra từ nguồn đất bị ngập úng (waterlogged soil) hoặc phân và bùn thải. Ở một số loại thực vật, ethylene (một chất điều hoà sinh trưởng thực vật tự nhiên) cũng bị phân huỷ thành EO. Quá trình dị hoá ethylene ở một số sinh vật cũng tạo ra EO. Các định lượng về hàm lượng EO trong tự nhiên hiện nay không có sẵn, nhưng lượng khí EO trong tự nhiên là không đáng kể.
Ethylene oxide được sử dụng để làm gì?
Trong công nghiệp: Ethylene oxide được sử dụng chủ yếu để tạo ra ethylene glycol (một hóa chất được sử dụng để chống đông – antifreeze và polyester hóa).
Trong y học: Ethylene oxide cũng được sử dụng trong bệnh viện để tiệt trùng dụng cụ y tế.
Trong ngành công nghiệp thực phẩm, EO được sử dụng với các mục đích sau:
Diệt côn trùng, chống nấm mốc, sâu bọ đối với các nguyên liệu sau khi vừa thu hoạch (các loại rau gia vị, hạt gia vị khô, bột mì….)
EO rất dễ bay hơi. Ở những thực phẩm đã từng trải qua các quá trình xử lý có sử dụng EO (như chống nấm, chống côn trùng, diệt khuẩn) thì hàm lượng EO ở mức rất nhỏ. Sản phẩm phản ứng quan trọng nhất của EO trong thực phẩm là 2-cloroetanol. Do đó, các quy định về giới hạn dư lượng đối với tổng dư lượng của EO sẽ bao gồm hàm lượng của EO và cả của 2-cloroetanol.
Quy định về sử dụng EO tại các quốc gia khác nhau
Theo quy định của Liên minh Châu Âu (EU) về việc sử dụng các chất phụ gia, chỉ có các chất phụ gia tuân theo các thông số kỹ thuật trong quy định của EU số 231/2012 mới có thể được lưu hành. Theo quy định 231/2012 của EU này, EO không được sử dụng để khử trùng các chất phụ gia. Do đó, các thực phẩm có chứa chất phụ gia đã được khử trùng bằng EO sẽ không được bày bán tại các quốc gia EU.
Từ khi có các quy định về hàm lượng EO tại châu Âu, có tới hàng chục nghìn sản phẩm từ các quốc gia khác nhau đã bị thu hồi. Tại Pháp, từ mùa thu năm 2020, có tới gần 7000 mẫu sản phẩm đã bị thu hồi (bao gồm các sản phẩm như hạt vừng, kem, gừng, ớt, cà phê, bánh mì và các loại đồ ăn sẵn) và việc thu hồi sản phẩm có chứa EO cũng khá phổ biến ở các quốc gia khác tại châu Âu. Chỉ tính riêng năm 2020 và chỉ tính riêng trên sản phẩm là hạt vừng, Bỉ đã tiến hành thu hồi khoảng 105 loại sản phẩm khác nhau. Từ tháng 7/2020, các sản phẩm khác ngoài hạt vừng như gia vị, ngũ cốc kem, nước xốt và các loại hạt khô cũng theo quy định tại châu Âu và được thu hồi hàng loạt.
Vừa qua, Ireland cũng đã tiến hành thu hồi 2 sản phẩm mì ăn liền và phở ăn liền của công ty Acecook Việt Nam do có phát hiện EO.Cùng với các sản phẩm ăn liền này, Ireland cũng đã tiến hành thu hồi hàng loạt các sản phẩm khác thuộc ngành hàng gia vị, hạt vừng, hỗn hợp hạt, các sản phẩm dùng khi làm bánh, xốt hạt điều, cá hồi phi lê có xốt chứa hạt vừng….
Tại các quốc gia châu Âu, EO không được phép sử dụng trong dây chuyền sản xuất thực phẩm, nhưng có thể tồn tại dưới dạng tồn dư với hàm lượng rất thấp (0.02-0.1ppm). Tuy vậy, việc sử dụng EO vẫn được cho phép tại các quốc gia như Mỹ, Canada, Singapore hay Ấn Độ. Nguyên nhân là vì EO có thể ngăn ngừa tình trạng thực phẩm bị nhiễm khuẩn như E.coli, Samonella... Do đó, phương châm của các quốc gia này là vẫn sử dụng EO với mục tiêu “sử dụng chất hoá học nếu trong phạm vi kiểm soát thì còn tốt hơn sản phẩm bị nhiễm khuẩn”.
Vậy tại sao các nước châu Âu lại tiến hành thu hồi các sản phẩm có chứa EO, tại sao EO lại có mặt trong các loại thực phẩm này và ngưỡng giới hạn cho phép sử dụng EO trong một số sản phẩm ở 1 số quốc gia khác như thế nào?
Hãy cùng tìm hiểu trong series các bài viết tiếp theo của Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Những thực phẩm nào có thể chứa Ethylene oxide?
Tài liệu tham khảo
https://www.atsdr.cdc.gov/toxfaqs/tfacts137.pdf
https://www.who.int/ipcs/publications/cicad/en/cicad54.pdf