Theo kết quả rà soát, thống kê của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2010-2021, các cơ quan có thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo.
Cụ thể: Về văn bản Luật, có 4 Luật trực tiếp quy định các vấn đề về nhà giáo, bao gồm: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học (năm 2012 và sửa đổi năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cũng chịu sự chi phối của một số Luật, bao gồm: Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2018; Luật tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019; Luật công đoàn năm 2012; Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; Bộ Luật lao động năm 2019, Luật người khuyết tật năm 2010; Luật thể dục, thể thao năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao năm 2018...
Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hơn 100 văn bản dưới Luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật nêu trên. Tuy nhiên, qua rà soát, tổng kết, đối chiếu với nhu cầu thực tế của đội ngũ nhà giáo và các chính sách, pháp luật hiện có về nhà giáo vẫn cho thấy những tồn tại, hạn chế lớn, có tác động cơ bản đến tương lai của nền Giáo dục Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều vấn đề của thực tiễn đã thay đổi như: yêu cầu phát triển và yêu cầu quản lý giáo dục trong chuyển đổi số; bối cảnh xã hội hóa, dân chủ hóa và xây dựng xã hội học tập... nhưng chưa được phản ánh trong hệ thống quy định của pháp luật về nhà giáo.
Những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành về nhà giáo đã tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay. Do đó, những vấn đề về nhà giáo cần được điều chỉnh bằng một Bộ luật để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện.
Luật điều chỉnh về nhà giáo được ban hành sẽ giúp pháp điển hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang điều chỉnh các chế độ chính sách đối với nhà giáo, khắc phục sự tản mạn, chồng chéo của các văn bản hiện hành, tạo ra sự minh bạch, rõ ràng và dễ dàng tiếp cận được các quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo.
Luật điều chỉnh về nhà giáo được ban hành sẽ khắc phục sự bất bình đẳng công tư trong chính sách, chế độ đối với nhà giáo làm việc ở khu vực tư; Khắc phục quan điểm áp dụng các chính sách chung của viên chức đối với nhà giáo ở khu vực công và giải quyết hậu quả của việc này. Ví dụ: giảm biên chế nhà giáo như: giảm biên chế viên chức hành chính, cào bằng, thay đổi chế độ phụ cấp… nhằm xây dựng chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, quy hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo phù hợp với nhu cầu sử dụng; thu hút, tạo động lực phát triển đội ngũ nhà giáo.