Giáo dục

Gặp gỡ những nhà thơ Hải Phòng “có duyên” với bộ sách Cánh Diều

Đặng Giang 30/09/2024 21:12

(GDTĐ) - Trong xu thế đưa sáng tác của các tác giả đương đại vào sách giáo khoa, nhiều nhà văn của Hải Phòng với bút lực sung mãn và giọng điệu thơ, văn phù hợp với nội dung thiết kế sách giáo khoa các cấp của Ban Biên soạn sách giáo khoa Cánh Diều

Đây là bộ sách được đánh giá cao về chất lượng nội dung bài giảng do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp với các nhà xuất bản uy tín ấn hành. Điều đó đã góp phần khẳng định năng lực, sức viết của các tác giả người Hải Phòng, qua đây lan tỏa tâm hồn, tiếng thơ - tiếng lòng của miền đất, con người thành phố Hoa Phượng đỏ đến với các em nhỏ cả nước.

nha-tho-1.jpg
Nhà thơ Hoài Khánh với bộ SGK Cánh Diều

Trong niềm vui đón nhận bộ sách mới còn thơm mùi giấy mực, nhà thơ Hoài Khánh cho biết, anh thực sự rất phấn khởi khi có cơ duyên góp thơ vào bộ sách Cánh Diều. Có tác phẩm vào sách giáo khoa từ rất sớm là một khởi đầu thuận lợi để anh tiếp bước trên con đường đồng hành cùng tâm hồn và tiếng nói trẻ thơ. Bài thơ “Đồng hồ báo thức” do anh sáng tác đã được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 tập 2 thuộc bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 1998. Năm 2018, bộ sách Cánh Diều theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bài thơ “Đồng hồ báo thức” lại được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 2, tập 1. Ngoài ra, anh còn góp mặt trong bộ sách Cánh diều với bài thơ “Chú hải quân”, “Bên ô cửa đá”, “Mỗi lần cầm sách giáo khoa”, “Hội xuân vùng cao”, “Cô gái mũ nồi xanh”.

Là người suốt cuộc đời sáng tạo của mình luôn kiên định với thơ thiếu nhi, “lưng vốn” của nhà thơ Hoài Khánh giờ đây có hơn 200 bài thơ được sáng tác cho riêng các em với giọng thơ trong trẻo, nhuần nhuỵ, đôn hậu, nhiều câu thơ sáng lên bất ngờ với hình ảnh và ý thơ sinh động chạm đến cảm xúc của trẻ thơ và cả người lớn. Đọc các tác phẩm của nhà thơ Hoài Khánh trong sách Cánh Diều, có thể nhận rõ được tâm thế ấy của người viết. Đơn cử như bài thơ “Chú Hải quân”, đã được nhà thơ khắc hoạ hình ảnh người lính biển giản dị, tươi vui và gần gũi: "Vững vàng trên đảo nhỏ/Bồng súng gác biển trời/Áo bạc nhàu nắng gió/Chú mỉm cười rất tươi”. Và anh đã dụng công tìm hiểu tâm lý của trẻ em để thay lời các em muốn nói “Lá cờ đỏ sang vàng/ Phấp phới bay trong gió/ Ước sau này như chú/ Giữ yên biển quê hương”.

“Khởi nghiệp văn chương, tôi đã chọn sáng tác thơ cho thiếu nhi là hướng đi của mình. Làm thơ là sở thích chứ không phải nghề kiếm sống của tôi. Vì thế, tôi không băn khoăn nhiều về lĩnh vực sáng tác mà mình đang theo đuổi. Nhưng nếu tôi không đi theo con đường ấy thì cũng chẳng thể nói trước được điều gì. Mỗi nhà văn đều có thế mạnh riêng. Sáng tác thơ cho thiếu nhi là thế mạnh của tôi và tôi luôn nghĩ, để thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi, còn phải chú ý nhiều hơn đến sự tinh nghịch và tính giả tưởng. Bài học giáo dục nhân cách phải để ẩn trong mỗi tứ thơ. Ngôn ngữ thơ phải thật gần gũi và giản dị với trẻ em.” – Nhà thơ Hoài Khánh trải lòng.

Ưu thế nổi bật trong thi pháp thơ Hoài Khánh là anh tiết chế rất tốt nhịp thơ và điều hướng cảm xúc hiệu quả trong tác phẩm của mình, không vì viết cho thiếu nhi mà mặc định bài nào cũng phải nhí nhảnh, trẻ con. Anh thường xác định rõ đối tượng độc giả và lứa tuổi trẻ em mà tác phẩm hướng đến để lựa chọn hình ảnh, nhịp thơ và cấu tứ phù hợp. Nhà thơ Hoài Khánh cũng cho biết thêm rằng, thông qua sáng tác các tác phẩm theo gợi ý của các nhóm biên soạn các bộ sách, ngoài tuân theo các chủ đề, chủ điểm, dung lượng tác phẩm, bản thân ông cũng mong muốn gửi gắm góc nhìn các vấn đề cuộc sống theo cảm nhận, tâm hồn của người Hải Phòng tới những bạn đọc nhỏ tuổi thành phố và trên toàn quốc.

Cùng với nhà thơ Hoài Khánh, Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh cũng góp mặt 4 tác phẩm, trích đoạn tác phẩm trong bộ sách Cánh Diều. Chị cho biết chị có tác phẩm được chọn là trích đoạn truyện “Tình bạn”. Đây là câu chuyện kể về hai cậu bé, một ở trung du, miền núi và một ở vùng duyên hải.

nha-tho-2.jpg
Nhà văn Phạm Vân Anh - tác giả của 4 tác phẩm, trích đoạn tác phẩm trong bộ sách Cánh Diều.

Tình bạn của các em hồn nhiên, chân thành, có nhiều ước mơ thật đáng yêu, nhất là đều muốn trở thành bộ đội. Hai tác phẩm được đặt hàng là bài thơ “Chú công an” thuộc chủ điểm quốc phòng- an ninh và bài thơ “Muôn sắc hoa tươi” thuộc chủ điểm giáo dục bình đẳng giới. Ngoài những tác phẩm này ra, chị còn có trích đoạn bút ký “Người thầy quân hàm xanh” viết về đại úy Trần Bình Phục, cán bộ đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau cũng được chọn đưa vào sách Truyện đọc lớp 5.

Theo nhà thơ Phạm Vân Anh, hoạt động sáng tác cho sách giáo khoa vừa khó vừa không khó. Khó là do sự đổi mới, cải cách sách giáo khoa và sự bùng nổ của thị trường sách tham khảo đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, đa dạng và sinh động hơn về nội dung, hình thức của sách giáo khoa. Vì thế, ngữ liệu cho sách cũng được các chủ biên, tổng chủ biên yêu cầu cao hơn.

Nhưng ngược lại, việc biên soạn, thiết kế các bài học, mục kiến thức trong các trang sách cũng được các tác giả thiết kế rất rõ nét, có định hướng cụ thể về số chữ, đề tài, nội dung trọng điểm cần phản ánh nên khi sáng tác cũng nhờ vậy mà có sự tập trung ý tưởng cao hơn. Tất nhiên không phải tác phẩm nào cũng thành công và đạt yêu cầu, được chọn vào sách, song rõ ràng là khi ý tưởng được gợi mở cũng giúp các nhà văn có mục tiêu sáng tác và hiện thực hoá ý tưởng. Việc được lựa chọn các sáng tác thơ, văn đưa vào in trong các ấn phẩm sách giáo khoa cũng khai mở thêm nguồn cảm hứng sáng tác mới cho bản thân chị cũng như các tác giả khác.

“Là một người mẹ và là đồng thời là một tác giả văn học, tôi nhận thấy chúng ta đang có một thế hệ thiếu nhi mới với nhận thức tốt, tự tin, tự chủ, thể lực tốt, lối sống xanh… Nhất là sự tiếp cận của các em với các vấn đề như lịch sử dân tộc, những danh nhân của đất nước, truyền thống cách mạng, Bác Hồ, người cộng sản, chú bộ đội… thông qua các tiết học ngoại khóa cũng rất thú vị. Vì thế tôi nghĩ rằng bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã xác định đúng mục tiêu khi xây dựng các bài học phù hợp với khả năng tiếp thu, cảm nhận của các em. Triết lí “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống" thể hiện sinh động, rõ nét qua từng trang sách, giúp học sinh dễ thuộc, dễ nhớ và hiểu sâu sắc về chủ đề, chủ điểm mà bàiý nghĩa của sự kiện, học hướng tới. Tôi cho rằng đó là một điểm mạnh của bộ sách Cánh diều.” - nhà văn Phạm Vân Anh cho biết.

Từ việc có tác phẩm thơ, trích đoạn truyện ngắn được chọn đăng trong sách giáo khoa, chị thêm vững tin rằng mình có thể sáng tác văn học thiếu nhi. Ngay sau khi có tác phẩm được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa, nhà thơ Vân Anh hoàn thành bản thảo tập thơ thiếu nhi “Khúc hát miền trời” và đang khởi thảo bộ truyện dài “Tớ là Quân khuyển”./.

Bài liên quan
Dấu ấn của các nhà văn quân đội trong bộ sách giáo khoa Cánh Diều
(GDTĐ) - Những năm qua, thực hiện Chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã cho thấy, đó là một một hướng đi đúng và theo chiều tiến bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp gỡ những nhà thơ Hải Phòng “có duyên” với bộ sách Cánh Diều