Yêu cầu giáo viên thường xuyên quán triệt, nhắc nhở học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình… những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Đặc biệt, không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, bơi khi không có người lớn, giám hộ đi cùng”.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Tiền Giang triển khai, phối hợp cùng các ban ngành, nhà trường mở lớp phổ cập bơi cho học sinh. Hiện toàn tỉnh có 52 hồ bơi trong đó 16 hồ bơi cố định trong các trường tiểu học, THCS, THPT; 36 hồ bơi di động, đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh toàn tỉnh.
Bốn bề là sông nước nên học sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được trang bị kỹ năng bơi lội. Ảnh: Phương Hồ |
Tương tự, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) - địa phương đầu tiên đầu tư hồ bơi để trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh. Theo đó, UBND huyện, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện đã triển khai Đề án “Dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn huyện” giai đoạn 2023 - 2025, với tổng kinh phí gần 630 triệu đồng. Mỗi năm huyện tổ chức từ 30 - 40 lớp với khoảng 500 - 600 học sinh được học bơi miễn phí, riêng dịp hè mở 20 lớp cho 500 học sinh tiểu học và THCS.
Ông Huỳnh Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Hiện, trung tâm kết hợp với các điểm trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh để hiểu được lợi ích việc tập luyện môn bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Ngoài dạy bơi, còn hướng dẫn, trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng cần thiết bảo vệ bản thân, cách xử lý tình huống, sơ cấp cứu khi có tai nạn đuối nước; giúp các em nâng cao sức khỏe, vui chơi lành mạnh, an toàn, góp phần giảm thiểu nguy cơ đuối nước”.
Công tác phòng, chống đuối nước cho học sinh mùa Hè được Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan (Lạng Sơn) chú trọng và quan tâm. Theo ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, phòng ban hành văn bản chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền đến phụ huynh về những nguy cơ về đuối nước; không tắm sông, ao hồ khi không biết bơi; không đi tắm một mình.
Đồng thời, yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động ngoại khóa chuyên đề đuối nước và cách phòng chống, từ đó giúp các em có kiến thức cơ bản về đuối nước và sơ cứu đuối nước vào chương trình giảng dạy cho học sinh.
“Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan còn phối hợp với huyện Đoàn, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức các khoá dạy bơi miễn phí cho học sinh. Đối với vùng khó khăn, chỉ đạo các trường cử giáo viên thể dục tổ chức dạy bơi cho học sinh tại ao, hồ, suối của địa phương; vận động nhà tài trợ hỗ trợ áo, cặp phao cho học sinh đi học phải qua sông, suối để việc đi lại an toàn”, ông Hiền cho biết thêm.
Năm 2024 trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã đưa ra thông điệp 3K với trẻ em và 3T với người lớn. Trong đó, 3K là không xuống nước khi không biết bơi; không đi bơi khi không có người lớn; không chơi đùa tại sông, suối, ao, hồ, giếng nước... dễ dẫn đến đuối nước. 3T là thường xuyên nhắc nhở con em về nguy cơ tai nạn đuối nước; tập bơi cho trẻ và dạy kỹ năng phòng chống đuối nước; tăng cường quản lý, không để con em đi bơi ở ao, hồ, sông suối, làm rào, đậy nắp khu vực chứa nước nguy hiểm.
Tại Đắk Lắk, theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 216 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó 181 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước (chiếm 83,7%). Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2024, địa phương ghi nhận 9 trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước.