Giá cà phê hôm nay 22/5 ghi nhận sự biến động trái chiều khi thị trường thế giới có xu hướng tăng, còn giá trong nước lại giảm.
Giá cà phê thế giới
Đầu giờ sáng 22/5 (giờ Việt Nam), trên sàn London, giá cà phê Robusta giao tháng 7 ở mức 4.910 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn so với đầu giờ sáng qua. Kỳ hạn giao hàng tháng 9 ở mức 4.896, tăng 1 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 7 ở mức 271,75 cent/lb, tăng 2,45 cent/lb, kỳ giao hàng tháng 9/2025 giao dịch ở mức 368,80 cent/lb, tăng 2,40 cent/lb.
Giá cà phê trong nước
Giá cà phê trong nước hôm nay đồng loạt giảm tại tất cả các địa phương, dao động trong khoảng 124.500 - 125.200 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk là 125.000 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với hôm qua.
Giá cà phê tại Lâm Đồng ghi nhận giao dịch ở mức 124.500 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với mức giao dịch một ngày trước.
Giá cà phê tại Gia Lai được giao dịch ở mốc 125.000 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với phiên giao dịch trước.
Giá cà phê tại Đắk Nông được thương lái thu mua ở mức 125.200 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với đầu giờ sáng qua.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, mục tiêu xuất khẩu cà phê trong năm 2025 có thể vượt mốc 6 tỷ USD, với sản lượng khoảng 1,7–1,8 triệu tấn.
Trong 4 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê dù giảm gần 10% về sản lượng so với cùng kỳ 2024, nhưng kim ngạch đạt 3,78 tỷ USD, tăng 51,1% về giá trị.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và đang dẫn lượng cà phê robusta xuất khẩu. Trong năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt giá trị 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê lớn nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD.
EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, trong đó 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê Việt Nam là Đức, chiếm 11%, Italia chiếm 8,1% và Tây Ban Nha khoảng 8%.
Giá cà phê tăng mạnh suốt 2 năm qua đã đem lại nguồn lợi lớn cho ngành cà phê. Ông Trịnh Đức Minh cho rằng không chỉ xuất khẩu tăng mạnh, tỷ lệ cà phê chế biến, đặc biệt là cà phê hòa tan cũng ngày càng tăng. Hiện nay, khoảng 10% sản lượng cà phê được đưa vào chế biến sâu, với giá trị trung bình khoảng 6.000 USD/tấn, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam cũng bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới.