Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên giao dịch cuối tuần, lúc 6h30’ sáng 26/11 (theo giờ Việt Nam) là 75,18 USD/thùng, giảm 1,56 USD, tương đương 2,02%. Giá dầu Brent là 80,23 USD/thùng, giảm 0,84 USD, tương đương 1,03%.
Tuần qua, giá dầu thế giới suy giảm liên tục vì sự thận trọng của các nhà phân tích trước khi cuộc họp OPEC+ diễn ra. Các dự đoán cho rằng OPEC+ có thể sẽ kéo dài hoặc thậm chí cắt giảm sâu hơn nguồn cung dầu vào năm tới và liên quan tới việc thả một số con tin ở Gaza làm giảm phí bảo hiểm rủi ro chính trị.
Theo Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh trong đó có Nga đã khiến thị trường ngạc nhiên vào thứ Tư, vì Tổ chức OPEC+ đã lùi thời gian nhóm họp dự kiến diễn ra ngày hôm nay 26/11 sang ngày cuối tháng ngày 30/11.
Trong khi đó, 3 nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters rằng, OPEC+ đã tiến gần hơn đến thỏa hiệp với các nhà sản xuất dầu châu Phi về mức sản lượng năm 2024. Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cho biết, kết quả có thể xảy ra nhất bây giờ dường như là sự mở rộng của các đợt cắt giảm hiện tại.
Về phía Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới nổi lên với điểm sáng đến từ triển vọng kinh tế ngắn hạn. Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết dữ liệu gần đây của Trung Quốc và viện trợ mới cho lĩnh vực bất động sản đang mắc nợ có thể “tích cực cho xu hướng ngắn hạn của thị trường dầu mỏ”.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của Trung Quốc vẫn còn ảm đạm. Các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ có thể giảm xuống còn khoảng 4% trong nửa đầu năm 2024 do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đè nặng lên việc sử dụng dầu diesel.
Bên cạnh đó, tăng trưởng sản xuất ngoài OPEC dự kiến sẽ vẫn mạnh. Công ty năng lượng nhà nước Brazil Petrobras có kế hoạch đầu tư 102 tỷ USD trong 5 năm tới để tăng sản lượng lên 3,2 triệu thùng dầu quy đổi mỗi ngày vào năm 2028, tăng từ 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2024.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 26/11 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h00 ngày ngày 23/11 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 584 đồng/lít, không cao hơn 21.690 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 506 đồng/lít, không cao hơn 23.024 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 605 đồng/lít, không cao hơn 20.283 đồng/lít; dầu hỏa giảm 568 đồng/lít, không cao hơn 20.944 đồng/lít; riêng dầu madút 180CST 3.5S tăng 15 đồng/kg, không cao hơn 15.638 đồng/kg.
Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), tại kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến phiên điều chỉnh mới nhất (23/11), giá xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh, trong đó có 19 lần tăng, 11 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới đây nhất vào ngày 23/11, liên bộ Tài chính - Công Thương đã triển khai điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 80 sửa đổi.
Cụ thể, Nghị định 80 quy định, thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu được rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày. Thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp Tết Nguyên đán thì được thực hiện như sau:
Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó.
Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết thì thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.
Trường hợp thời gian điều hành trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó.
Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.