(GDTĐ) - Gia đình hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên các mối quan hệ như: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục giữa các thành viên trong gia đình.
Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt của con người.
Để phát huy vai trò giáo dục của gia đình với sự phát triển, hoàn thiện về đạo đức và nhân cách của trẻ em, gia đình cần có những biện pháp giáo dục phù hợp mới đạt được hiệu quả.
Giáo dục gia đình đặt nền tảng cho giáo dục xã hội
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, các quan hệ gia đình (cha mẹ con cái, vợ chồng, anh em) luôn được đề cao và duy trì rất bền chặt. Đó là cơ sở đạo đức gia đình nuôi dưỡng tình cảm, tâm hồn và rèn luyện phẩm cách con người.
Vai trò của gia đình trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em là việc tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của các thành viên trong gia đình. Trong đó, vai trò của cha mẹ đối với việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ em là rất quan trọng nhằm tạo ra những con người có tư cách và phẩm chất đạo đức tốt.
Một là: Giáo dục gia đình rất quan trọng đối với mỗi con người, khi con người chưa có hiểu biết về mình, về xã hội thì đã được định hướng và chỉ dạy từ gia đình. Đứa trẻ tiếp xúc với môi trường giáo dục đầu tiên, trường học đầu tiên ấy là gia đình. Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, con người được tiếp xúc với ngôn ngữ, văn hóa dân tộc từ lời ru, giọng hát, lời nói của cha mẹ. Vì vậy, giáo dục của gia đình như thế nào sẽ hình thành nên nhân cách của đứa trẻ tương đối giống như thế ấy.
Hai là, gia đình là hành trang không thể thiếu với mỗi con người. Trong gia đình, mỗi con người được đùm bọc về vật chất, giáo dục về tâm hồn, trẻ thơ có điều kiện được an toàn khôn lớn, người già có nơi nương tựa, người lao động được phục hồi sức khỏe, thoải mái về tinh thần… Trong quá trình sống, gắn bó, trao và nhận tình yêu thương che chở của gia đình, mỗi người lại hoàn thiện mình, hoàn thiện nhân cách cho bản thân.
Ba là, gia đình là hạt nhân của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Gia đình cũng là nơi trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, bản thân mỗi gia đình cũng có sự thích nghi linh hoạt đối với các chuẩn mực và xã hội mong muốn. Nhờ đó mà con người có điều kiện được bồi dưỡng năng lực, phẩm chất ngay từ tấm bé.
Tạo dựng một gia đình an toàn cho con trẻ
Trong thời đại ngày nay, gia đình cũng đang chịu tác động mạnh mẽ từ mọi mặt của nền kinh tế thị trường. Điều kiện vật chất của mỗi gia đình đều đã đầy đủ hơn, song con người dường như xa nhau hơn. Công việc bận rộn khiến các thành viên đều ít thời gian quan tâm, chăm sóc cho nhau. Sự kết nối tình cảm cũng vì thế chịu ảnh hưởng khá nhiều.
Để gia đình thật sự trở thành nơi an toàn nhất của con trẻ, cha mẹ cần quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cha mẹ phải là người luôn cập nhật kiến thức từ kinh nghiệm cuộc sống, từ trong sách vở và các mối quan hệ xã hội. Ngày nay, với sự phát triển của thông tin, công nghệ số, mạng xã hội, cha mẹ càng phải cập nhật thông tin, nắm bắt được nhu cầu tâm lý của con mình, có phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ. Đồng thời, cha mẹ cũng phải tìm hiểu xu thế mới của giới trẻ trong xã hội hiện đại để chia sẻ, định hướng đối với sự phát triển nhân cách của con trẻ cũng như hạn chế những bất đồng, xung đột về phương pháp giáo dục trong gia đình, gây ra tâm lý hoang mang ở trẻ em.
Thứ hai, bản thân cha mẹ phải là tấm gương tốt. Cách hành xử của cha mẹ với nhau, cách ứng xử của cha mẹ với những người xung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách đứa trẻ.
Phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” cũng là nhằm nêu gương tốt để giáo dục trẻ em. Thông qua những tấm gương sáng trong gia đình của ông bà, cha mẹ, anh em… trẻ em được tiếp nhận phong cách sống, ứng xử của những người xung quanh, trẻ em bắt chước học theo, từ đó hình thành nhân cách tốt qua trải nghiệm thực tế. Cách giáo dục này mang lại cho trẻ em cách sống, làm việc theo gương tốt của gia đình và chuẩn mực của xã hội.
Thứ ba, gia đình phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tiến bộ, cha mẹ phải bình đẳng tôn trọng lẫn nhau. Trẻ em trai và trẻ em gái phải có quyền và nghĩa vụ như nhau, được thụ hưởng mọi giá trị như nhau, cùng nhau được học hành. Những người cha, người mẹ trong gia đình cũng phải được tôn trọng như nhau, lắng nghe và chia sẻ với nhau mọi việc trong cuộc sống.
Thứ tư, gia đình cần tổ chức các hoạt động hợp lý nhằm kích thích tính khám phá của trẻ. Qua các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch, giao lưu, thăm hỏi người thân trong gia đình… giúp trẻ em gắn bó với người thân, tạo ra hứng thú trong cuộc sống, biết chia sẻ, tâm sự, góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống, xử lý các tình huống phù hợp với gia đình, xã hội; giúp các em phát huy những ưu điểm và khắc phục hạn chế của bản thân, hoà nhập tốt với môi trường hiện đại.
Như vậy, gia đình phải trở thành môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng, giáo dục con người. Đó là môi trường đầu tiên nhưng cũng là môi trường suốt đời để hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục con người phát triển toàn diện, đặc biệt là giáo dục nhân cách cho trẻ.
Quá trình hình thành phẩm chất tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội… của trẻ em là quá trình khó khăn, cần có sự quan tâm đặc biệt từ cha mẹ.
Mỗi gia đình cần định hướng cụ thể mục đích, phương pháp giáo dục khoa học, kết hợp hài hoà giữa môi trường gia đình - nhà trường - xã hội để giúp trẻ sớm hình thành nhân cách sống tốt và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.