Các chuyên gia cho rằng, giá thuê nhà chỉ được xem ở mức phải chăng khi chi phí dành cho nhà ở chiếm khoảng 30% tổng thu nhập hàng tháng của mỗi người. Trong khi lợi nhuận cho thuê đối với các sản phẩm nhà ở giá rẻ như nhà ở công nhân tương đối thấp thì nhu cầu và công suất sử dụng lại cao.
Người dân chỉ mua được nhà ở vừa túi tiền
Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills TP.HCM nhận định, phần lớn người dân ở TP.HCM chỉ có thể chi trả cho phân khúc nhà ở vừa túi tiền, căn hộ hạng C.
Tuy nhiên, những căn hộ vừa túi tiền có giá từ 2-4 tỷ đồng lại có nguồn cung khá thấp. Trước đây, dòng sản phẩm này chiếm tỷ lệ khoảng 60% trong nguồn cung của thị trường nhưng đến nay chỉ chiếm khoảng 25%. Nguồn cung hạn chế khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người dân cũng gặp nhiều khó khăn.
Do đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là mấu chốt để giải "bài toán" chi trả cho người dân trong vấn đề nhà ở. Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia khác nhau đã cho thấy những tác động tích cực của các giải pháp nhà ở đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Vị chuyên gia này cho biết, không giống như nhà ở xã hội với các yêu cầu quy hoạch nghiêm ngặt và giới hạn lợi nhuận là 10%, các nhà đầu tư tư nhân vẫn có khả năng xây dựng nhà ở giá rẻ để sinh lời. Trung Quốc, Ấn Độ có thị trường nhà ở giá rẻ và công nhân phát triển mạnh mẽ, sinh lời cho các nhà đầu tư tư nhân. Nhưng, tại Việt Nam, các nhà phát triển đã tìm kiếm cơ hội ở phân khúc khác và vẫn chưa khai thác được doanh thu từ phân khúc nhà ở giá rẻ.
"Ví dụ như tại Singapore, chương trình của Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB) kết hợp với chính sách vay mới của Quỹ tiết kiệm Trung ương đã thành công nâng tỷ lệ sở hữu nhà ở gần 90%", chuyên gia dẫn chứng.
Bà Giang Huỳnh cho rằng, nếu có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hỗ trợ cả nhà đầu tư và người mua, Việt Nam có thể hướng tới một thị trường nhà ở giá cả phải chăng và dễ tiếp cận hơn. Trong đó, Chính phủ cần xem xét các loại thuế để hạn chế tình trạng đầu cơ và tăng quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ, thể hiện cam kết thúc đẩy thị trường nhà ở ổn định và bền vững, mang lại lợi ích cho những người mua nhà.
Còn với phân khúc nhà ở xã hội, các chuyên gia nhấn mạnh, đây là phân khúc cần ưu tiên, giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, kích thích kinh tế - xã hội, tăng tốc độ giãn dân, mở rộng đô thị ra các khu vực ngoại thành và tăng tính bền vững trong quy hoạch đô thị.
"Khó khăn lớn nhất lúc này là quỹ đất nhà ở xã hội, kế đến là nguồn vốn. Hiện nay, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào vốn Nhà nước, do đó, cần thêm sự hỗ trợ của khu vực tư nhân. Đặc biệt, cần có những chính sách hiệu quả về thủ tục pháp lý dành riêng và đơn giản hóa cho các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội", bà Giang Huỳnh cho hay.