Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được hoàn thành bước đầu và đưa ra thử nghiệm tại một số địa phương. Chuẩn được xây dựng với 6 lĩnh vực và 69 chỉ số được xây dựng từ căn cứ thực tiễn, khoa học. Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được nhóm chuyên gia dày công nghiên cứu, việc triển khai thí điểm ở một số địa phương có tính đến các yếu tố vùng miền, đặc điểm dân cư, sẽ được nghiệm thu nghiêm túc, khách quan, đánh giá chính xác vai trò tác động đối với trẻ, đảm bảo khi ban hành chính thức đạt yêu cầu chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN cho biết: Việc nghiên cứu soạn thảo “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” là nỗ lực không ngừng của những người làm chuyên môn, với mục đích để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non chất lượng nhất. Các tiêu chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế cho tất cả trẻ em Việt Nam, bất kể giới tính, dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, sự đa dạng văn hóa, và nhu cầu đặc biệt của cá nhân. Các tiêu chuẩn này nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ.
Với đặc tính toàn diện của “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi”, có thể được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói chung, trẻ em 5 tuổi nói riêng, gồm: cha mẹ hay người chăm sóc nuôi dưỡng, giám hộ, nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia giáo dục mầm non, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và người thực hiện các chính sách giáo dục, cũng như các tác nhân khác tham gia vào giáo dục mầm non. - PGS Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh.
“Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi”, có thể được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. |
Được giao nhiệm vụ trưởng nhóm thử nghiệm tại các địa phương, Chuyên viên Vụ GDMN, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, cho rằng: Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đảm bảo sự phát triển tối ưu của trẻ 5 tuổi, là căn cứ xây dựng và phát triển chương trình GDMN quốc gia, địa phương, nhà trường. Chuẩn góp phần đánh giá chất lượng và điều chỉnh chương trình giáo dục trẻ, cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, phát triển các nguồn tài liệu nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc - giáo dục trẻ".
NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho rằng: “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã đạt được mục đích đa dạng mục tiêu sử dụng. Bộ chuẩn thử nghiệm không chỉ hướng dẫn về sự phát triển tối ưu của trẻ 5 tuổi, mà còn làm Cơ sở cho việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường dựa trên chương trình khung giáo dục mầm non; Đánh giá chất lượng và điều chỉnh chương trình giáo dục trẻ; Cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo.
Bộ chuẩn thử nghiệm không chỉ hướng dẫn về sự phát triển tối ưu của trẻ 5 tuổi, mà còn làm Cơ sở cho việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường. |
Bà Huỳnh Thị Thủy Trinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Ngọc, Tp Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho rằng: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước thì sự phát triển của trẻ em nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, vì vậy xây dựng Bộ chuẩn mới và thử nghiệm tại địa phương để đánh giá tính xác thực của các chuẩn, chỉ số là điều cần thiết. Chúng tôi mong chờ sớm có một bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi để các trường dựa vào đó thực hiện.
Trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu, thử nghiệm tại một số địa phương, TS Vũ Thị Ngọc Minh, nghiên cứu viên chính, Trung tâm Nghiên cứu GDMN - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Sau khi thử nghiệm và có đánh giá tính hiệu quả từ các chuyên gia, Bộ công cụ sẽ hoàn thiện và việc ban hành và thực hiện văn bản Chuẩn mới này sẽ có tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học tập chính thức ở trường tiểu học và cuộc sống trong tương lai.
Là những phụ huynh người Ba Na có con tham gia vào đợt thử nghiệm, chị Phăch, có con đang học tại Trường Mẫu giáo Đê Ar, huyện Mang Yang chia sẻ: “Tôi thấy các câu hỏi của nhà nước rất là hay và thiết thực với cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ. Qua các câu hỏi đó, chúng tôi cũng biết thêm về các hoạt động mà cha mẹ có thể chơi với con khi ở nhà. Qua các câu hỏi, chúng tôi cũng biết có thể lấy các thứ đồ dùng, cây cỏ gần gũi xung quanh để cho trẻ nó được chơi cùng.